10:11, 28/11/2018

Năm 2019 sẽ khởi công tuyến cao tốc qua Khánh Hòa

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc bắc - nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận). Theo đó, trong năm 2019, tuyến cao tốc này sẽ bắt đầu được thi công.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc bắc - nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận). Theo đó, trong năm 2019, tuyến cao tốc này sẽ bắt đầu được thi công.


Đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng


Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) được chia làm 2 hợp phần dự án. Trong đó, đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ có chiều dài hơn 49,1km với điểm đầu thuộc xã Diên Thọ (Diên Khánh) và điểm cuối tại Km54, trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, có chiều dài tuyến khoảng 78,5km. Tổng mức đầu tư hai dự án dự kiến hơn 21.200 tỷ đồng.

 

Phối cảnh cao tốc Bắc - Nam.

Phối cảnh cao tốc Bắc - Nam.


Hai dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Thời gian hoàn vốn khoảng 36 năm, trong đó, dự án Nha Trang - Diên Khánh là 17 năm 9 tháng và dự án còn lại là 18 năm 10 tháng. Giai đoạn hoàn chỉnh đường cao tốc có quy mô 6 làn xe, bề rộng hơn 32,2m, giai đoạn phân kỳ trước mắt xây dựng quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.


Toàn đoạn tuyến sẽ được xây dựng hơn 80km đường gom trên cơ sở phù hợp theo thỏa thuận với địa phương. Trên tuyến sẽ có 2 hầm, trong đó có 1 hầm qua núi Dốc Sạn (Cam Ranh), gồm 2 ống hầm hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe và tổng cộng 60 cầu.


Về hướng tuyến, đối với đoạn Nha Trang - Cam Lâm, điểm đầu tại xã Diên Thọ (Diên Khánh) đi về phía tây Quốc lộ 1 qua các xã: Diên Lộc, Suối Tiên, Suối Cát, hướng tuyến đi về phía tây Khu công nghiệp Suối Dầu, hạ lưu hồ Cam Ranh Thượng đến xã Cam Hiệp Bắc, vòng qua mỏm núi Đa Ma sang Cam An Bắc, Cam Phước Tây rồi men theo sườn núi Hòn Ông, vượt eo núi Dốc Sạn về Cam Thịnh Tây. Hướng tuyến qua Khánh Hòa đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, điểm đầu thuộc xã Cam Thịnh Tây, đi sát chân núi Hòn Dung, vượt đường Xóm Mới - Cam Thịnh Tây, đi về phía hạ lưu hồ Mai Trai, đến khoảng Km59 hết địa phận TP. Cam Ranh.


Triển khai giải phóng mặt bằng

 

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT: Từ ngày 30-11, sở sẽ cùng với Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn và 3 địa phương là Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh tiến hành giao nhận tim tuyến, mốc lộ giới và toàn bộ hồ sơ hai dự án cao tốc đường bộ qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu tham mưu giao nhiệm vụ cho 3 địa phương nói trên làm chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đối với đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm, dự kiến nhu cầu sử dụng đất của dự án hơn 389,2ha, chưa bao gồm đất dành cho các khu tái định cư, dự kiến khoảng 8,4ha. Trong đó, đất trồng lúa hơn 34,6ha, đất trồng cây hàng năm 130,1ha, đất trồng cây lâu năm hơn 154,6ha, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản, đất ở nông thôn, đất rừng sản xuất. Dự kiến để làm cao tốc đoạn tuyến này, sẽ thu hồi khoảng 188ha đất với 205 hộ bị ảnh hưởng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 418 tỷ đồng.


Theo ông Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, để chuẩn bị khởi công trong năm 2019, ban mong tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu bổ sung, cập nhật, quy hoạch phần diện tích sử dụng đất dự kiến (bao gồm cả đất cho dự án cao tốc và dự kiến xây dựng khu tái định cư) vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018, năm 2019 của các huyện, thành phố có dự án đi qua, báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2018 để bảo đảm tính chủ động trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng.


Đối với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự kiến thu hồi khoảng 235,5ha đất, chi phí giải phóng mặt bằng gần 400 tỷ đồng. Trong đó, dự án đi qua địa phận TP. Cam Ranh với diện tích cần giải phóng mặt bằng hơn 36,1ha, dự kiến sẽ có 30 hộ tái định cư, diện tích tái định cư khoảng 1,2ha. Theo ông Đỗ Quang Minh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, công tác tái định cư thường khó khăn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài, do đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất, các khu tái định cư hiện có trên địa bàn, sớm nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về hiệu quả, lợi ích của dự án mang lại, qua đó ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và quá trình thi công sau này.


THÀNH NAM