Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, cây trồng, đất sản xuất.
Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, cây trồng, đất sản xuất.
Đến thôn Xà Bói (xã Sơn Hiệp), chúng tôi thấy ông Cao Văn Sách đang bần thần nhìn dòng sông Tô Hạp cuộn nước đục ngầu. Chỉ tay về phía bờ sông còn nguyên dấu vết xói lở, ông Sách cho biết: “Chỗ đó từng là diện tích gần 3 sào đất trồng mía tím của gia đình tôi. May mà trước mưa lũ, tôi nghe lời cảnh báo của xã nên đã thu hoạch mía. Nhưng bây giờ, toàn bộ đất trồng bị nước cuốn trôi hết. Không biết sắp tới sẽ lấy đất ở đâu để sản xuất”.
Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, đợt mưa lũ đã làm cho đường vào khu sản xuất từ thôn Hòn Dung đi thôn Tà Gụ bị sạt lở tại 4 điểm với chiều dài 80m, sụt lún, nứt đường 16 điểm với chiều dài khoảng 150m, đường liên xã Sơn Hiệp - Sơn Trung bị sạt ta luy, lở hàm ếch 30m, đường Tỉnh lộ 9 đi thác Tà Gụ bị sập, gãy 1 nhịp cầu Tà Gụ, nhiều lòng đập, kênh mương bị cát, đá vùi lấp, hệ thống nước sinh hoạt bị hư hại nhiều nơi, tổng diện tích cây trồng ước bị thiệt hại 26,22ha…
Tại thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc), trại gà của bà Nguyễn Thành Cúc cũng trong cảnh tan hoang. Hơn 1.500 con gà đủ loại, trong đó có số lượng lớn chuẩn bị xuất bán chỉ trong vòng mấy giờ đã bị nước lũ làm cho chết hết. Ông Trương Minh Vỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại khá lớn về sản xuất nông nghiệp, hệ thống đường giao thông, đường ống dẫn nước sinh hoạt.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Khánh Sơn, đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện không có thiệt hại về người, nhà cửa, nhưng thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp rất nặng nề. Tổng diện tích đất sản xuất bị sạt lở hoàn toàn là 15ha; nhiều hệ thống đập, kênh mương thủy lợi bị đất đá vùi lấp; hàng loạt công trình cầu, đường bị sạt lở, sập đổ gây chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn huyện, trong số đó có một số công trình vừa đưa vào sử dụng; có 58,35ha đất trồng cây lương thực, cây ăn quả bị thiệt hại hoàn toàn; gia súc gia cầm bị thiệt hại 1.754 con. |
Xã Sơn Trung là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, xã bị thiệt hại 5ha mía tím, 4ha bắp, 5 sào ao cá, 3ha đất sản xuất bị sạt lở vùi lấp; sạt lở 50m mái ta luy đường liên xã, các đập và kênh mương Đầu Bò Thượng, Chi Chay, Đầu Bò Hạ bị đất, đá vùi lấp.
Các địa phương khác như: thị trấn Tô Hạp, xã Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn đều chịu những thiệt hại nặng nề về cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Khánh Sơn, trong những ngày tới, các xã, thị trấn tiến hành khắc phục nạo vét các tuyến đường để đảm bảo giao thông, đi lại của người dân như: tuyến Dốc Gạo, tuyến thôn Tà Lương thị trấn Tô Hạp, xã Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp. UBND huyện phối hợp với Sở Giao thông vận tải khắc phục tuyến đường Tỉnh lộ 9 và hư hỏng cầu Sơn Trung. Huyện cũng sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại cụ thể ở các địa phương; rà soát lại các hộ bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người dân. Ngành Y tế huyện thực hiện việc tiêu độc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Địa phương mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, thiệt hại ở các công trình giao thông, thủy lợi. Cùng với đó, huyện cũng mong tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện triển khai công tác khắc phục.
Giang Đình