Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại trên toàn địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Trong đó, chịu nhiều ảnh hưởng nhất là nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp và giao thông...
Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại trên toàn địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Trong đó, chịu nhiều ảnh hưởng nhất là nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp và giao thông...
Về thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hoà, chúng tôi ghi nhận được diện tích lớn đìa nuôi thuỷ hải sản của người dân nơi đây chìm trong biển nước. Ông Nguyễn Xuân Lộc trưởng thôn Văn Tứ Đông cho biết, do địa thế nằm gần núi, khi mưa lớn, nước trên núi đổ về kéo theo đất đá, nên đa phần đìa nuôi của người dân ở thôn đều vỡ hết, thiệt hại hoàn toàn. "Trong đợt mưa lớn ngày 18-11, đã có hơn 140ha đìa thuỷ sản ở thôn bị vỡ hết, rồi mưa từ cơn bão số 9 làm vỡ thêm hơn 30ha đìa thuỷ sản của người dân trong thôn. Bản thân tôi có hơn 8,5 sào nuôi tôm thẻ cũng bị vỡ. Năm nay mọi người lại hết Tết" - ông Lộc nói.
Theo thống kê của UBND xã Cam Hoà, đến nay, đa phần diện tích lúa đã gieo trồng của xã với hơn 824.600m2 đã bị thiệt hại, 100% bị cát bồi lấp; 105.000m2 khoai sáp bị ngập nước; hơn 252.000m2 xoài bị ngã đổ. Bên cạnh đó, mố cầu làng ở thôn Cửu Lợi 3 của xã cũng bị sụp nghiêm trọng hơn, đây là cây cầu bị hư hỏng mố cầu đã lâu nhưng chưa được tu sửa.
Tại xã, Cam Phước Tây thiệt hại chủ yếu là đường sá, cầu cống cùng khoảng gần 10ha hoa màu; gia súc của người dân nuôi gồm heo, dê bị chết khoảng 60 con, hiện UBND xã vẫn đang tiếp tục thống kê. Đến trưa 26-11, nước tại các vùng trũng của xã đã rút hết, các khu dân cư đã hết bị chia cắt.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Cam Lâm, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và nội đồng trên toàn huyện đều bị sạt lở, hư hỏng và ngập nước. Tỉnh lộ 9 đoạn qua xã Cam Phước Tây và đường Lập Định - Suối Môn đoạn qua các xã cánh tây của huyện bị sạt lở nặng. Cầu Vĩnh Thái (xã Cam Hiệp Nam) bị sụt lún mặt cầu phía bắc; tuyến đường WB2 đi xã Cam Thành Bắc bị sạt lở ở đầu tuyến phía xã Cam Hiệp Nam... Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, đây chỉ mới là số liệu thống kê sơ bộ, sau khi kết thúc đợt mưa lũ, địa phương mới tiến hành tổng hợp, có số liệu cụ thể, ước tính thiệt hại về giao thông khá lớn.
Ông Lê Đình Cường - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm cho biết, đến nay, chưa có thiệt hại về người do đợt mưa lũ từ bão số 9, chỉ có 2 căn nhà bị thiệt hại trên 70% tại xã Cam Phước Tây và thị trấn Cam Đức. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn huyện đang được nuôi trồng là 241,6ha, nhiều diện tích đìa bị vỡ, ngập nước toàn vùng tại các xã Cam Hoà, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức. Hầu hết diện tích lúa, mía, mì, hoa màu đều bị ngập nước cục bộ. Theo ông Cường, trước mắt, địa phương chỉ đạo các xã đảm bảo an toàn về giao thông, đưa người dân về lại nhà sau khi nước các vùng bị ngập đã rút. Huyện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và có thống kê cụ thể về thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp.
"Bên cạnh đó, huyện kiến nghị cần sớm khắc phục xử lý mố cầu Bãi Giếng đoạn giữa xã Cam Hải Tây và thị trấn Cam Đức để đảm bảo lưu thông trên Quốc lộ 1. Ngoài ra, Quốc lộ 1 đoạn qua xã Cam Thành Bắc có 1 điểm đen chuyên gây ùn tắc khi có mưa lớn, kéo theo đất đá tràn ra bề mặt đường, cản trở giao thông, đây cũng là điểm cần sớm được xử lý" - ông Cường nói.
VĨNH THÀNH