11:10, 23/10/2018

Thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh: Còn vướng mắc

Sở Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm và khảo sát tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh ở 4 lĩnh vực trọng tâm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến văn bản luật chưa được sửa đổi, bổ sung, thủ tục còn chồng chéo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe…

Sở Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm và khảo sát tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh ở 4 lĩnh vực trọng tâm tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến văn bản luật chưa được sửa đổi, bổ sung, thủ tục còn chồng chéo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe…


Quy định đã đơn giản hơn


Nhằm đánh giá tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực trọng tâm (y tế, tài nguyên và môi trường - TN-MT, lao động - thương binh và xã hội), Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát hơn 200 DN trên địa bàn về: các loại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký kinh doanh; thời gian, chi phí giải quyết hồ sơ; các thủ tục, quy định; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; đánh giá, kiến nghị của DN; thái độ công vụ, trình độ chuyên môn của công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...


Kết quả cho thấy, đa số quy định về điều kiện kinh doanh ngày càng đơn giản, thuận lợi cho DN kinh doanh. DN được hướng dẫn rõ ràng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Chỉ có khoảng 36% ý kiến cho biết còn gặp khó khăn do thủ tục phức tạp (chủ yếu trong lĩnh vực TN-MT). Tuy nhiên, trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, gần 50% DN được khảo sát không áp dụng, số còn lại chỉ áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng không hoàn toàn. Lý do cơ bản là DN gặp khó khăn về chi phí đầu tư máy móc thiết bị. Đặc biệt, gần 70% ý kiến thông tin, họ không được hoặc không biết việc tham gia ý kiến khi có dự thảo thay đổi luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh của DN.

Còn vướng mắc


Trong lĩnh vực y tế, phía Sở Y tế nêu, tuy Luật Dược và một số nghị định của Chính phủ đã được áp dụng, nhưng 2 Nghị định của Chính phủ (số 176/2013 và số 178/2013) xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định về an toàn thực phẩm, hành nghề dược và hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân hiện hành, chưa có chế tài xử lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.


Trong lĩnh vực lao động, điều kiện cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn. Thời hạn giấy phép cho thuê lại lao động ngắn. Điều kiện cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài còn chồng chéo. Thủ tục cấp phép về huấn luyện an toàn lao động mất nhiều thời gian, chi phí nhưng thời hạn giấy phép ngắn (5 năm).


Về lĩnh vực TN-MT, đại diện Sở TN-MT đơn cử, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, quy định về việc nộp hồ sơ năng lực của các đơn vị tư vấn khi thực hiện hồ sơ đề nghị cấp phép tài nguyên nước còn bất cập. Thông tư số 56/2014 của Bộ TN-MT và Nghị định số 60/2016 của Chính phủ đều yêu cầu nộp kèm hồ sơ chứng minh năng lực khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép hoặc khi thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, lập đề án, báo cáo tài nguyên nước. Điều này khiến một đơn vị tư vấn làm nhiều hồ sơ cho các tổ chức khác nhau sẽ phải nộp rất nhiều hồ sơ năng lực; trong khi hồ sơ năng lực gồm rất nhiều giấy tờ. Nên chăng, đơn vị tư vấn chỉ cần gửi hồ sơ năng lực 1 lần cho cơ quan quản lý nhà nước thẩm định rồi trả lời về việc đủ hay không đủ điều kiện tư vấn hồ sơ hoạt động tài nguyên nước?


Tại Nha Trang, những vướng mắc trên thấy khá rõ. Số lượng DN trên địa bàn đang tăng nhanh nhưng chưa có khảo sát về địa điểm giữ xe của các nhà hàng, quán ăn, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, để xe dưới lòng, lề đường. Một số cơ sở, DN vi phạm nghiêm trọng cần rút giấy phép kinh doanh nhưng pháp luật lại chưa có chế tài cụ thể; đoàn kiểm tra của thành phố chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính, không đủ sức răn đe. Việc kiểm tra DN sử dụng người lao động nước ngoài gặp khó khăn vì phải thuê phiên dịch; nhiều DN thay đổi địa chỉ khác địa chỉ trong giấy phép. Nghị định số 33/2017 của Chính phủ quy định tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép chưa đủ răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm. Vì vậy, TP. Nha Trang đề nghị tỉnh có chính sách rà soát, kiểm tra các điều kiện cần thiết trước khi cấp giấy phép kinh doanh; đề nghị Chính phủ tăng thẩm quyền xử phạt cho UBND thành phố; tăng mức phạt đối với hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ khoáng sản trái phép.


Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, kết quả khảo sát, tọa đàm đã chỉ ra những vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới. Sở sẽ đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn tài liệu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho DN đối với cán bộ của sở và cán bộ hỗ trợ pháp lý cho DN tại các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đặc biệt, sở đề nghị chú trọng lấy ý kiến DN khi có dự thảo thay đổi quy định các điều kiện kinh doanh liên quan trực tiếp tới DN; tăng cường tổ chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xem xét nguyện vọng của DN.


NGUYỄN VŨ