10:10, 25/10/2018

Cục Quản lý thị trường tỉnh: Không có thay đổi về nhân sự

Sáng 24-10, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thành lập Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa (tiền thân là Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc quản lý của UBND tỉnh). Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Hữu - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cho biết:

Sáng 24-10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thành lập Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa (tiền thân là Chi cục QLTT tỉnh trực thuộc quản lý của UBND tỉnh). Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Hữu - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa cho biết:

 


Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa trực thuộc Tổng cục QLTT. Theo đó, cục có 6 đội QLTT cấp huyện, giảm 1 đội so với trước. Cụ thể: Đội QLTT số 1 quản lý địa bàn TP. Nha Trang; Đội QLTT số 2 quản lý địa bàn thị xã Ninh Hòa; Đội QLTT số 3 quản lý địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn; Đội QLTT số 4 quản lý địa bàn huyện Vạn Ninh; Đội QLTT số 5 quản lý địa bàn huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và huyện Cam Lâm (sáp nhập từ 2 đội trước đây); Đội QLTT số 6 (trước đây là Đội QLTT Cơ động) thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.


Năm 2018, tuy tỉnh giao cho Chi cục QLTT 65 biên chế nhưng thời điểm đó số biên chế của đơn vị chỉ có 55 người và 12 lao động hợp đồng theo Nghị định 68. Đến thời điểm bàn giao về Tổng cục QLTT thuộc Bộ Công Thương, đơn vị có 55 công chức và 12 lao động hợp đồng theo Nghị định 68. Như vậy so với trước khi chuyển giao, đơn vị không có sự thay đổi về số lượng nhân sự.


- Xin ông cho biết nhiệm vụ, chức năng của Cục QLTT tỉnh có gì khác so với chi cục?


- Theo quy định, cục có chức năng giúp Tổng cục trưởng QLTT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và là đơn vị dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản giao dịch, tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước; được trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.


Vai trò, chức năng của lực lượng QLTT trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương không có gì thay đổi so với trước.


- Ông có thể nói rõ hơn mục đích việc bàn giao lực lượng QLTT từ UBND tỉnh quản lý sang Bộ Công Thương? 

 
- Mục đích chính là nhằm tinh giản các đội QLTT cấp huyện, kiện toàn cơ quan QLTT cấp tỉnh thành cơ quan QLTT liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn trong bối cảnh tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp.


 Tuy nhiên, lực lượng QLTT tỉnh Khánh Hòa vẫn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Thời gian đầu mới chuyển giao sẽ có một số khó khăn, biến động nhất định nhưng nhận thức rõ và đầy đủ vị trí, vai trò trách nhiệm của lực lượng QLTT trong tình hình mới, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu hội nhập thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị nhằm không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu thực hiện nhiệm vụ được giao, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.


- Xin cảm ơn ông! 

   
H.DUNG (Thực hiện)