01:09, 21/09/2018

Quản lý khai thác cát tại các hồ chứa: Còn bất cập

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác giám sát khai thác cát của các đơn vị quản lý các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện tốt, còn nhiều tồn tại vướng mắc cần khắc phục.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), công tác giám sát khai thác cát của các đơn vị quản lý các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa được thực hiện tốt, còn nhiều tồn tại vướng mắc cần khắc phục.


Cấp phép nạo vét 6 hồ


Theo báo cáo của Sở NN-PTNT về công tác quản lý, khai thác, chế biến và tiêu thụ cát xây dựng tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, việc nạo vét bồi lắng để khơi thông dòng chảy và tăng dung tích trữ cho hồ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các đơn vị nạo vét căn cứ phương án được phê duyệt để tiến hành nạo vét và tận thu các sản phẩm nạo vét được từ lòng hồ để làm vật liệu xây dựng; đồng thời phải đóng thuế cho Nhà nước khi tiến hành nạo vét.

 

Khai thác cát tại lòng hồ Cam Ranh (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm).

Khai thác cát tại lòng hồ Cam Ranh (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm).


Tính đến tháng 8-2018, Sở NN-PTNT đã thẩm định 6 hồ sơ đề án nạo vét cát tại các lòng hồ chứa của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án nạo vét tại 6 hồ chứa, gồm: Đá Bàn, Suối Trầu, Cam Ranh, Tà Rục, Suối Dầu, Suối Hành. Ngoài ra, sở cũng tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian nạo vét đối với hồ Suối Trầu vào năm 2018 (gia hạn 5 năm) và hồ Đá Bàn vào năm 2017 (gia hạn 9 tháng). Tính đến tháng 7-2018, các đơn vị thi công đã thực hiện nạo nét được khối lượng cụ thể như sau: hồ Suối Trầu 30.925m3 (khoảng 30% phương án), hồ Cam Ranh 47.439m3 (khoảng 5%), hồ Tà Rục 10.305m3 (khoảng 2%), hồ Suối Trầu 180.000m3 (khoảng 38%), hồ Đá Bàn 33.036m3 (khoảng 6% phương án). Riêng hồ Suối Hành chưa khai thác.


Quản lý chưa tốt


Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, sở đã định kỳ tổ chức kiểm tra nạo vét các hồ chứa. Qua kiểm tra, các đơn vị quản lý hồ chứa mới chỉ thực hiện các biện pháp giám sát theo dõi như: cử nhân viên kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nạo vét đúng phạm vi cho phép (đánh dấu bằng phao nổi trên mặt hồ), yêu cầu đơn vị thi công sử dụng thiết bị nạo vét đúng chủng loại quy định, tổng hợp khối lượng nạo vét hàng tháng để báo cáo. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát hoạt động nạo vét, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa lắp đặt camera theo dõi tại một số vị trí nạo vét, lập sổ nhật ký theo dõi khối lượng nạo vét hàng ngày, mua sắm thiết bị quan trắc (máy đo độ sâu, đo độ đục của lòng hồ) để phục vụ công tác kiểm tra.


Tại một số hồ chứa như: Cam Ranh, Suối Dầu, các đơn vị thi công chưa có giải pháp đảm bảo an toàn trong công tác vận chuyển như: không che phủ xe vận chuyển cát gây bụi, xe chở quá tải gây hư hỏng đường giao thông của địa phương. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị thi công tạm dừng việc nạo vét để khắc phục tình trạng hư hỏng các tuyến đường, khi nào có xác nhận của địa phương là khắc phục xong thì mới được phép khai thác trở lại.


Đánh giá về tình hình khai thác cát xây dựng tại các lòng hồ chứa, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng, tuy không có tình trạng khai thác cát trái phép nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, hiện nay công tác giám sát của đơn vị quản lý hồ chứa chưa được thực hiện tốt, chưa giám sát thường xuyên quá trình nạo vét của các đơn vị thi công. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa trang bị camera giám sát khai thác và các thiết bị quan trắc để kiểm tra được tốt hơn. Việc xác định tải trọng các xe chở cát cũng khó khăn, để xảy ra tình trạng hư hỏng đường giao thông liên thôn. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực hiện tốt công tác giám sát của các đơn vị liên quan.


VĂN KỲ