10:08, 01/08/2018

Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Công việc bộn bề

Sở Tư pháp đang gặp khó khăn khi lượng thông tin lý lịch tư pháp cần xử lý quá lớn và ngày càng tăng, trong khi nhân sự mỏng, kinh phí ít.

Sở Tư pháp đang gặp khó khăn khi lượng thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) cần xử lý quá lớn và ngày càng tăng, trong khi nhân sự mỏng, kinh phí ít.


Nỗ lực hết mình


Sau khi Luật LLTP chính thức có hiệu lực (ngày 1-7-2010), Sở Tư pháp xác định xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) LLTP là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý LLTP. Bởi thông qua xây dựng CSDL LLTP, Sở Tư pháp có thể cung cấp thông tin LLTP, đáp ứng yêu cầu cấp phiếu LLTP, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.

 

Vì vậy, đơn vị đã tích cực cập nhật, xử lý thông tin LLTP tại địa phương; cung cấp thông tin cho Trung tâm LLTP quốc gia và sở tư pháp các tỉnh, thành phố khác để xây dựng CSDL LLTP trong cả nước. Từ ngày 1-7-2010 đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận gần 60.500 thông tin LLTP và khoảng 12.000 thông tin khác từ các cơ quan: tòa án, viện kiểm sát, công an, thi hành án dân sự, đăng ký hộ tịch… Tính đến ngày 26-7-2018, Sở Tư pháp đã xử lý, cập nhật, bổ sung gần 24.400 thông tin LLTP; cung cấp gần 6.600 thông tin LLTP bằng giấy và điện tử cho các cơ quan liên quan theo quy định; lập hơn 10.500 bản LLTP.


Cùng với các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc xây dựng CSDL LLTP đã góp phần rõ rệt nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực LLTP. Qua 7 năm, tỷ lệ hồ sơ cấp phiếu LLTP trễ hạn giảm mạnh, từ 25% (năm 2010) xuống còn 0,15% (năm 2017). 6 tháng vừa qua, Sở Tư pháp đã cấp hơn 4.300 phiếu LLTP, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp nhận và giải quyết thành công 970 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, trong đó 99,89% hồ sơ được giải quyết sớm và đúng hạn.

 

Người dân đăng ký nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến  tại Sở Tư pháp.

Người dân đăng ký nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tại Sở Tư pháp.

 

Công việc còn bề bộn


Tuy vậy, hiện nay, sở còn hơn 30.000 thông tin LLTP và khoảng 12.000 thông tin khác chưa được xử lý, cập nhật vào CSDL. Đó là chưa kể hàng năm, số lượng thông tin LLTP vẫn tiếp tục tăng. Theo báo cáo của ngành Tòa án, năm 2016, tòa án 2 cấp tỉnh đã giải quyết 1.532 vụ án hình sự với 2.243 bị cáo. Năm 2017, con số này là 962 vụ với 1.569 bị cáo. 6 tháng đầu năm nay, ngành tòa án giải quyết 803 vụ với 1.358 bị cáo. Đó là chưa kể những vụ án hình sự tuy do tòa án các địa phương khác xét xử nhưng do bị cáo thường trú tại Khánh Hòa nên sở cũng cần lập LLTP theo quy định.


Thực tế, công tác xây dựng, quản lý CSDL LLTP rất khó khăn, phức tạp và mang tính chuyên môn sâu. Đơn cử, để cập nhật dữ liệu từ một thông tin LLTP (bản án, quyết định thi hành án hình sự, miễn, giảm chấp hành hình phạt...), cán bộ sở phải kiểm tra, đối chiếu các thông tin về: cá nhân bị cáo, điều, khoản áp dụng, số hiệu bản án, hình phạt... Nếu phát hiện chưa chính xác, thống nhất giữa các dữ liệu, họ lại phải gửi công văn tới cơ quan ban hành yêu cầu kiểm tra, phản hồi thông tin.

 

CSDL LLTP gồm các thông tin về: LLTP được xác lập, phát sinh qua các khâu xét xử của tòa án các cấp (bản án hình sự đã có hiệu lực, quyết định thi hành án hình sự; miễn, giảm chấp hành hình phạt; xóa án tích; giảm hình phạt tử hình...); quá trình thi hành án hình sự do các cơ quan liên quan khác cung cấp (chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù; đặc xá, đại xá; chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, án treo, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân); thi hành phần dân sự trong bản án hình sự của người bị kết án. Các thông tin khác liên quan đến LLTP gồm: cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên; chứng tử. 

Trong khi đó, nhân sự được phân bổ làm công tác này chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Quyết định số 2369 ngày 28-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng, quản lý LLTP và quản lý nhà nước về LLTP tại địa phương, các sở tư pháp sử dụng tổ chức hiện có của phòng hành chính tư pháp, đồng thời bổ sung ít nhất 3 biên chế để làm công tác này. Nhưng hiện nay, Phòng Hành chính tư pháp của sở mới được bố trí 1 biên chế làm nhiệm vụ này. 5 cán bộ, công chức còn lại của phòng đều kiêm nhiệm, đảm trách 7 lĩnh vực quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và LLTP. Mỗi lĩnh vực đều có khối lượng công việc khá nặng. Riêng giải quyết TTHC trong lĩnh vực LLTP, mỗi năm, đơn vị cấp khoảng 8.000 phiếu LLTP; chưa kể khoảng 10.000 thông tin LLTP phải xử lý để xây dựng CSDL LLTP. Để giải quyết khối lượng công việc bề bộn, sở đã động viên, huy động cán bộ, công chức làm thêm giờ nhưng vẫn không thể hoàn thành được khối lượng công việc cần thực hiện.


Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh chủ yếu vẫn trao đổi, cung cấp thông tin bằng văn bản giấy qua đường bưu chính. Do đó, thông tin được cung cấp không kịp thời, khối lượng công việc tăng, tốn chi phí sao gửi, cước phí bưu chính. Việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin LLTP giữa cơ quan quản lý CSDL LLTP với các cơ quan đầu mối cung cấp thông tin cũng bị ảnh hưởng.


Theo ông Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp, CSDL LLTP cần thường xuyên được cập nhật, tích hợp để sử dụng, khai thác phục vụ cấp phiếu LLTP. Với lượng thông tin cần xử lý quá lớn, nhân sự mỏng, tất yếu dẫn đến tình trạng thông tin tồn đọng, CSDL LLTP bị thiếu hụt, không đồng bộ, đầy đủ, không phát huy được vai trò, ý nghĩa của CSDL LLTP. Vừa qua, sở đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép đơn vị thuê lao động hợp đồng để nhập liệu, đảm bảo tiến độ xử lý thông tin xây dựng CSDL LLTP.


Nguyễn Vũ