11:07, 27/07/2018

Khánh Sơn: 7 hộ chưa trả đất xâm canh

Liên quan đến việc hàng chục hộ dân xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) xâm canh ở khu vực thượng nguồn hồ Suối Hành, hiện vẫn còn 7 hộ chưa đồng ý mức hỗ trợ chủ rừng đưa ra khi thu hồi đất để trồng rừng theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Liên quan đến việc hàng chục hộ dân xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn, Khánh Hoà) xâm canh ở khu vực thượng nguồn hồ Suối Hành, hiện vẫn còn 7 hộ chưa đồng ý mức hỗ trợ chủ rừng đưa ra khi thu hồi đất để trồng rừng theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.


Theo ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm (đơn vị chủ rừng), phương án trồng rừng sản xuất của đơn vị có tổng diện tích 1.200ha trên phần diện tích quy hoạch rừng sản xuất tại các tiểu khu 324 và 329 (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và UBND tỉnh cho phép thực hiện.

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm chưa thể thu hồi đất để trồng rừng do người dân chưa đồng ý nhận hỗ trợ.

Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm chưa thể thu hồi đất để trồng rừng do người dân chưa đồng ý nhận hỗ trợ.


Tại tiểu khu 324, khu vực thượng nguồn hồ Suối Hành, có 68 hộ xã Ba Cụm Nam xâm canh với tổng diện tích 157,92ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm đã nhiều lần tuyên truyền, vận động để người dân trả lại đất, đồng thời đưa ra mức hỗ trợ về phát dọn thực bì, cây trồng, chòi lán... Năm 2016, có 61 hộ nhận hỗ trợ, trả lại đất cho chủ rừng tiến hành trồng rừng, hiện vẫn còn 7 hộ với diện tích khoảng 22ha chưa nhận hỗ trợ.


Các hộ ở xã Ba Cụm Nam cho rằng, diện tích đất này người dân canh tác từ rất lâu (từ khi còn Lâm trường Cam Ranh - Khánh Sơn); mức hỗ trợ mà Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm đưa ra tuy cao hơn mức hỗ trợ năm 2016, nhưng so với thực tế còn thấp. Hiện nay, công phát dọn thực bì đã ở mức 3 - 4 triệu đồng/ha, nhưng chủ rừng chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; đối với keo trồng năm 2015 là 15 triệu đồng/ha, trồng năm 2014 là 20 triệu đồng/ha, trồng năm 2013 là 25 triệu đồng/ha. Vì thế, đề nghị chủ rừng có mức hỗ trợ cao hơn.


Theo lãnh đạo UBND xã Ba Cụm Nam, người dân địa phương sẽ giao lại đất khi được hỗ trợ hoa màu một cách thỏa đáng. Địa phương đề nghị chủ rừng vận dụng Quyết định 27 năm 2017 của UBND tỉnh về Ban hành quy định giá bồi thường các loại vật nuôi, cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, UBND xã Ba Cụm Nam còn đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc khoanh vùng diện tích đất các hộ đang xâm canh (các hộ có cam kết không phát triển thêm diện tích) để giao cho các hộ canh tác nhằm giảm áp lực ngân sách hỗ trợ và giảm áp lực bố trí đất tái định canh khi các hộ không còn đất sản xuất.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cương - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Khánh Sơn, diện tích đất này các hộ đã canh tác từ lâu, nhưng đất không thuộc quyền sở hữu của người dân nên không thể bồi thường theo quy định hiện hành mà chỉ dừng ở việc hỗ trợ. Để người dân đồng tình, Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm cần nghiên cứu mức hỗ trợ phù hợp với thực tế.


Ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh cho biết, hiện nay, việc triển khai trồng rừng của đơn vị gặp nhiều khó khăn do các hộ không đồng ý nhận hỗ trợ, tuy mức hỗ trợ năm 2018 mà ban quản lý đề xuất là cao hơn nhiều so với năm 2016 và khá sát với thực tế. Sắp tới, Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thương lượng để giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ đối với 7 hộ này, qua đó tiến hành triển khai trồng rừng tại thượng nguồn hồ Suối Hành.


BÍCH LA