09:07, 29/07/2018

Chuyện tuyển sinh ở miền núi

Ở các xã miền núi huyện Khánh Vĩnh, cứ vào mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, giáo viên lại phải chạy đôn chạy đáo để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục nhập học cho trẻ.

Ở các xã miền núi huyện Khánh Vĩnh, cứ vào mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, giáo viên (GV) lại phải chạy đôn chạy đáo để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục nhập học cho trẻ.


Chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, những ngày qua, cô Nguyễn Thị Thanh Hiền và đồng nghiệp tại Trường Mầm non Họa Mi (xã Khánh Trung) phải ngược xuôi đến nhà các học sinh (HS) trong xã để vận động, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục nhập học cho các em.

 

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền phải thay phụ huynh làm thủ tục nhập học cho em Cao Minh Trí.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền phải thay phụ huynh làm thủ tục nhập học cho em Cao Minh Trí.


Theo chân cô Hiền đi tuyển sinh mầm non, tôi mới phần nào hiểu được những nhọc nhằn của các GV công tác ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi nghe cô Hiền vận động thuyết phục một hồi lâu về những lợi ích của việc đi học, những chính sách của Nhà nước đối với HS, bà Cao Thị Cúc (thôn Suối Lách) mới đồng ý cho con là Cao Minh Trí đi học mẫu giáo. Sau đó, bà Cúc lục lọi giấy tờ để nhờ GV lo thủ tục nhập học cho con. Bà bảo: “Mình không biết đâu, cô giáo muốn con mình đi học thì phải lo giấy tờ chứ. Mà mình có muốn đi cũng không biết phải làm ở đâu, nhà ở xa, không có xe máy để đi phô tô giấy tờ”.


 Cô Hiền kể: “Có trường hợp ở thôn Suối Lách, tôi 3 lần đến tận nhà vận động mà phụ huynh vẫn không chịu cho con đến trường, phải nhờ đến sự can thiệp của xã, phụ huynh mới đồng ý. Trong khi đó, nhiều gia đình có hộ khẩu, giấy khai sinh cho con nhưng thông tin sai lệch, có cháu đã 5 - 6 tuổi mà phụ huynh vẫn chưa nhập khẩu cho con. Để đảm bảo hồ sơ, thủ tục cho các cháu, GV phải đi làm thay chứ phụ huynh không quan tâm, thậm chí họ còn không muốn cho con đi học…”.


Được biết, năm nay, Trường Mầm non Họa Mi có kế hoạch vận động 210 HS ra lớp, trong đó có 99 em làm thủ tục nhập học mới. Công tác tuyển sinh đã được nhà trường thực hiện từ rất sớm qua khâu khảo sát số HS tại các thôn; tiến hành vận động phụ huynh cho trẻ đến trường; lo hoàn tất hồ sơ thủ tục cho các em nhập học… “Tuyển sinh chỉ là khởi đầu cho quá trình vận động HS đến trường; bước vào năm học thì GV lại tiếp tục vận động để các em không bỏ học. Có trường hợp, GV phải đến tận nhà để chở đi học. Để nâng bước các em đến trường, GV vùng cao chúng tôi phải cố gắng từng ngày”, cô Cao Thị Nữ - GV Trường Mầm non Họa Mi chia sẻ.

 

Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, các trường mầm non trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh sẽ tổ chức 20 lớp nhà trẻ với 387 HS và 90 lớp mẫu giáo với 2.458 HS. Các trường tiểu học sẽ tổ chức tuyển sinh 44 lớp với 933 HS lớp 1; các trường THCS tuyển mới 23 lớp với 787 HS lớp 6. 

Tại xã Khánh Phú, công tác tuyển sinh các cấp học năm nay thuận lợi hơn so với mọi năm. Theo các GV mầm non và tiểu học ở Khánh Phú, đa số người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn, quanh năm bám nương rẫy, có khi đi làm thuê, làm mướn ở rất xa. Khi đi, họ mang con theo nên để gặp được phụ huynh đã khó, rồi vận động họ cho con đi học lại là việc không đơn giản. Nhiều trường hợp GV đến nhà thì phụ huynh hứa, HS dạ, nhưng vẫn không đến lớp, có trường hợp đi học 1, 2 buổi lại nghỉ…


Bà Trương Thị Kim Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết: “Năm nay, để làm tốt công tác tuyển sinh, lãnh đạo cùng các đoàn thể của xã Khánh Phú đã phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu các trường trên địa bàn để hỗ trợ nhà trường trong công tác tuyển sinh, hoàn tất các thủ tục hồ sơ, nhất là hộ khẩu, giấy khai sinh để các em nhập học. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền các chính sách chăm lo của Nhà nước đối với HS miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân biết, cho trẻ đến trường. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh tại các trường trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn 2 trường hợp có sự sai lệch thông tin trên giấy khai sinh và hộ khẩu, Công an xã Khánh Phú đang trích lục hồ sơ để chỉnh lý, hoàn tất hồ sơ cho các em. UBND xã phát loa phóng thanh để vận động người dân cho trẻ đến trường…”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Do là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyển sinh ở miền núi có đặc thù riêng. Các hồ sơ, thủ tục tuyển sinh hầu hết do GV làm hộ phụ huynh do họ đi làm ăn xa, ở lại trên nương rẫy nhiều ngày, phụ huynh không rành việc lo hồ sơ, thủ tục… Sau khi làm công tác tuyển sinh xong, vào tháng 8, HS tựu trường, ổn định trường lớp xong, GV lại tiếp tục vừa dạy học vừa vận động để HS không bỏ học”. Được biết, năm nay, huyện Khánh Vĩnh đặt mục tiêu huy động 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học đủ điều kiện vào lớp 6.


BÍCH LA