05:06, 07/06/2018

Tổ tự quản an ninh trật tự nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh. Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và môi trường, các hộ cùng làm nghề đã thành lập các tổ tự quản ANTT, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh.

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh. Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và môi trường, các hộ cùng làm nghề đã thành lập các tổ tự quản ANTT, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh. Mô hình này đang phát huy tác dụng và được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng.


TP. Cam Ranh là địa phương cho ra đời, áp dụng và nhân rộng mô hình tổ tự quản ANTT khu nuôi trồng thủy sản đầu tiên tại thôn Bãi Ngang, xã Cam Lập vào năm 2012. Cam Lập là xã ven biển, có tới 60% số hộ sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh. Đặc biệt, nghề nuôi tôm hùm lồng rất phát triển, giá trị kinh tế cao nên thường xuyên xảy ra những vụ trộm cắp, cưỡng đoạt, số tài sản của người dân bị mất trị giá hàng tỷ đồng. Để giữ vững ANTT, giúp bà con ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, Công an xã Cam Lập đã tham mưu cho UBND xã xây dựng mô hình tự quản về ANTT tại khu nuôi trồng thủy sản Bãi Ngang. Khi thành lập, mô hình được 47 hộ nuôi thủy sản tại đây đồng lòng tham gia, lực lượng ban đầu với 25 người. Tổ tự quản được công an hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, giúp trang bị công cụ hỗ trợ, đồng phục để tuần tra, trực gác, bảo vệ tài sản.

 

Công an xã cùng tổ tự quản tuần tra.

Công an xã cùng tổ tự quản tuần tra.


Ngay sau đó, tổ tự quản ANTT và môi trường khu nuôi trồng thủy sản thôn Bình Ba, xã Cam Bình cũng ra mắt, với quy mô lớn hơn và ghép thêm nhiệm vụ bảo vệ môi trường và vệ sinh ven biển. Mô hình có tổng cộng 16 tổ thành viên, với hơn 250 người tham gia. Hàng tháng, các hội viên tự nguyện đóng góp khoảng 11 triệu đồng sử dụng cho các hoạt động tuần tra, bảo vệ lồng bè và thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Theo lãnh đạo Công an TP. Cam Ranh, từ khi các tổ tự quản đi vào hoạt động, các vụ việc về ANTT nói chung, nhất là các vụ  trộm cắp tôm hùm lồng, hải sản nuôi các loại đã giảm đáng kể. Đơn cử ở Bình Ba, trước đây mỗi năm xảy ra 9 đến 10 vụ, hiện nay chỉ còn khoảng 1 đến 2 vụ. Ngoài ra, tổ tự quản còn giúp Công an xã điều tra làm rõ, bắt được một số đối tượng trong các vụ vi phạm pháp luật khác.


Từ kết quả bước đầu của 2 mô hình ở xã Cam Lập và Cam Bình, TP. Cam Ranh đã nhân rộng sang các phường: Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Ba Ngòi… Thượng tá Đậu Quang Tuyến - Phó Trưởng Công an TP. Cam Ranh cho biết: “Trong tổng số 33 mô hình, tổ chức tự quản thành phố đang triển khai, mô hình tổ tự quản ANTT khu nuôi trồng thủy sản đang là mô hình phát huy tác dụng và được áp dụng nhiều nhất. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết các mô hình để rút kinh nghiệm, phục vụ nhân điển hình rộng rãi”.


Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 11 mô hình tổ tự quản ANTT khu nuôi trồng thủy sản. Trong đó, TP. Cam Ranh có 7 tổ, Cam Lâm 1 tổ, thị xã Ninh Hòa 2 tổ và huyện Vạn Ninh 1 tổ. Tuy mô hình đang được nhân rộng, nhưng quá trình hoạt động của các tổ tự quản cũng gặp không ít khó khăn. Do hầu hết thành viên các tổ tự quản đều là ngư dân, trình độ văn hóa còn hạn chế, nên công tác hồ sơ, kế hoạch, báo cáo hoạt động mô hình còn yếu, rất lúng túng. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp mô hình hoạt động hiệu quả rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, nhất là sự hướng dẫn, chỉ đạo của lực lượng công an.


MINH CƯỜNG