Tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, công tác đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, công tác đào tạo, hỗ trợ các DN lại đang gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu lớn
Theo đánh giá của một số đơn vị, ở Khánh Hòa, các lĩnh vực: tin học, quản trị kinh doanh, du lịch, lao động kỹ thuật có tay nghề cao... rất thiếu nhân lực. Nhiều DN thiếu các vị trí nhân sự quan trọng nhưng tuyển nhiều lần vẫn không tìm được.
Ông Hồ Anh Bình - đại diện DN tư vấn dịch vụ Miền Nam (có trụ sở tại Nha Trang) cho biết: “Hiện nay, các DN rất cần nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng rất khó tìm. Mặt bằng chung người lao động ở Khánh Hòa trình độ tin học còn thấp. Thời kỳ hội nhập 4.0 thì công nghệ thông tin và tiếng Anh là rất quan trọng, nên vấn đề nhân sự như vậy sẽ khó cho DN hội nhập”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Nhân lực đang là vấn đề nan giải với nhiều DN ở Khánh Hòa. Đầu vào tuyển khó vì các ứng viên chỉ được đào tạo cơ bản, khi áp dụng kiến thức vào thực tế chưa phát huy hết khả năng. Đa phần các DN sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại hoặc tự đào tạo nhân lực cho một số vị trí. Thế nhưng, sau khi được đào tạo thành thục, nhiều lao động lại chuyển đi làm ở công ty khác. Như DN chúng tôi, hiện có 2.500 người lao động nhưng vẫn luôn thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao”.
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá: “Hơn 10.000 DN của Khánh Hòa hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ nên ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn mờ nhạt. Bài toán nguồn nhân lực thực sự là vấn đề rất khó khăn. Thời gian tới, khi các khu du lịch ở Bán đảo Cam Ranh đi vào hoạt động cần hàng ngàn lao động chất lượng, đây sẽ là một thách thức không nhỏ. Ở Khánh Hòa, để xây dựng một khách sạn 5 sao thì rất dễ nhưng để tuyển được lao động phục vụ cho khách sạn 5 sao lại rất khó”. Đồng chí đề nghị, bên cạnh sự cố gắng của cơ quan chức năng, các DN cũng cần có phản hồi để giúp cơ quan quản lý có những điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, các hiệp hội DN cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong sự phát triển chung của tỉnh.
Thiếu nhân lực
Hiện nay, ngành Du lịch thiếu nhân lực nhiều nhất. Dự kiến, giai đoạn 2017 - 2020, ngành này cần thêm khoảng 4.650 lao động/năm. Nhưng hiện nay, 21 cơ sở đào tạo về nhân lực trên địa bàn tỉnh mỗi năm chỉ đào tạo được hơn 3.000 lao động. Đối với lĩnh vực công nghiệp, các DN cũng rất khó tuyển nhân lực. Chỉ riêng Khu Công nghiệp Suối Dầu mỗi năm thiếu gần 2.000 lao động.
Để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, những năm qua, UBND tỉnh đã giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Theo đánh giá của trung tâm, các khóa học đã nâng cao được nhận thức, kỹ năng, năng lực quản lý, điều hành DN cho các học viên. DN có học viên tham gia đào tạo đều có những thay đổi tích cực trong kinh doanh. Sau mỗi khóa học, các đơn vị đều kiến nghị Nhà nước mở nhiều hơn nữa các khóa học về kỹ năng quản trị DN, tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN, hiện tại, trung tâm chỉ tập trung hỗ trợ đào tạo về nhân sự quản trị kinh doanh, quản trị DN. Bên cạnh đó, số lượng học viên được đào tạo hàng năm còn khá khiêm tốn. Từ năm 2014 đến 2017, trung tâm chỉ hỗ trợ đào tạo được 732 lượt học viên. Tuy số lượng học viên năm sau thường tăng hơn năm trước, nhưng xét về tổng quan, năm nào cũng không đạt kế hoạch đề ra. Đơn cử như năm 2017, trung tâm tổ chức được 5 lớp với 239 lượt học viên, chỉ đạt 42% kế hoạch. Đáng lưu ý, có năm chỉ đào tạo được hơn 100 học viên.
Theo bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ việc thiếu kinh phí. Do ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ DN chưa đáp ứng được. Mức chi trả thực tế cho giảng viên có chất lượng quá chênh lệch so với quy định. Mỗi giảng viên đứng lớp phải chi trả từ 7 triệu đồng/ngày trở lên, trong khi theo quy định chỉ được trả 1 triệu đồng/ngày.
Đình Lâm