Mới đây, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản thống nhất hướng tuyến cao tốc bắc nam đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận). Theo đó, hướng tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh được lựa chọn tối ưu, giảm tối đa chi phí đầu tư xây dựng.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản thống nhất hướng tuyến cao tốc bắc nam đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận). Theo đó, hướng tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh được lựa chọn tối ưu, giảm tối đa chi phí đầu tư xây dựng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc bắc nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 105km. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 30km, có điểm đầu tại Km29 (thuộc địa phận xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm) và điểm cuối tại km59 (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh). Dự án được thiết kế với vận tốc 100km đến 120km/giờ. Quy mô xây dựng giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe và rộng 32,25m. Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ xây dựng đường cao tốc với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, trong quá trình xây dựng hướng tuyến của đơn vị tư vấn, địa phương có đề xuất điều chỉnh một số nội dung. Theo đó, điều chỉnh đoạn km29 đến km33 sang phía đông để tránh cắt qua núi, từ km33 tuyến đi qua khoảng trống giữa khu dân cư Cam An Bắc và khu dân cư Tân An, nhập về tại km40. Bên cạnh đó, tại km36 + 700 - km40 theo phương án thiết kế cắt qua khu vực 3 nhà máy điện mặt trời: Điện lực Miền Trung, KN Cam Lâm và Cam Lâm VN, địa phương cũng đề xuất điều chỉnh để tránh 3 nhà máy điện mặt trời này. Ngoài ra, tại km48 + 700 - km55, tỉnh đề xuất hướng tuyến đi lệch ngang 50m đến 150m, đi bám sười núi chưa khai thác đá để giảm chiều dài, chiều cao trụ cầu cạn. Đồng thời, từ km51 đến km53 + 500 cũng đề xuất điều chỉnh để tránh 2 nhà máy điện mặt trời Sông Giang và Tuấn Ân.
“Hiện tại, vướng mắc nhất nằm ở km48 + 700 - km55. Tại đây, tỉnh đã cấp phép cho 3 mỏ đá hoạt động gồm: Cam Phước, Hố Hành và Dốc Sạn. Để tránh điều chỉnh tuyến, giảm chi phí đầu tư, chúng tôi mong muốn tỉnh sớm có phương án giải quyết dừng khai thác tại những mỏ đá này”, ông Nguyễn Văn Trường - đại diện tư vấn Trường Sơn đề xuất.
Về kết nối giao thông giữa tuyến cao tốc với Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh có 2 vị trí. Cụ thể, tuyến nối từ nút giao Cam Ranh (km30 + 263) đến Quốc lộ 1 sẽ được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, xây dựng cầu vượt đường sắt và cầu vượt đường bộ (đường Lập Định - Suối Môn vượt tuyến nối). Với Quốc lộ 27B đoạn nối từ nút giao Cam Thịnh Tây (km53 + 200) đến Quốc lộ 1, đầu tư mở rộng theo quy mô phù hợp với lưu lượng tính toán, tối thiểu là đường cấp III đồng bằng.
Vừa qua, làm việc với Bộ GTVT, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh ủng hộ dự án sớm triển khai, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đối với các vướng mắc tại khu vực 3 mỏ đá, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương khảo sát, kiểm tra để tham mưu tỉnh phương án giải quyết. Đây là mỏ vật liệu xây dựng thông thường do tỉnh cấp phép nên việc giải quyết những vướng mắc này sẽ không gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý trong quá trình xây dựng hướng tuyến phải bảo đảm khoảng cách an toàn tối thiểu theo quy định từ tuyến đường đến các công trình hồ đập, lưới điện, công trình quốc phòng, trong đó đặc biệt chú ý nghiên cứu phương án thoát lũ cao tốc đoạn qua khu vực hạ lưu hồ Tà Rục và hồ Suối Hành nằm trên địa bàn TP. Cam Ranh.
Tại cuộc họp với UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đề nghị tỉnh rà soát, quản lý các quy hoạch và hiện trạng liên quan tuyến đường cao tốc, tránh phát sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến tuyến trong quá trình thực hiện; rà soát, cập nhật và thống nhất vị trí mỏ vật liệu, đảm bảo đủ cung ứng vật liệu đáp ứng tiến độ triển khai dự án… Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, thiết kế một số vị trí theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư.
THÀNH NAM