Thôn Ngũ Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa nằm dọc bờ nam con sông Cái. Để qua bên này sông, hàng nghìn người dân nơi đây ngày ngày phải đi qua con đập ngăn nước nhỏ hẹp, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.
Thôn Ngũ Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa nằm dọc bờ nam con sông Cái. Để qua bên này sông, hàng nghìn người dân nơi đây ngày ngày phải đi qua con đập ngăn nước nhỏ hẹp, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.
Đập tràn thành đường đi
Nhìn từ bản đồ, xã Ninh Xuân như bị tách đôi bởi con sông Cái Ninh Hòa chảy xuyên qua xã. Phía bờ bắc con sông này là trung tâm xã, nơi có Quốc lộ 26 chạy qua; chợ, trường học, trạm y tế… cũng ở phía này. Trái ngược với cuộc sống có phần nhộn nhịp đó, ở phía bờ nam cuộc sống có phần bình lặng hơn. Nơi này có khoảng 250 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu, sinh sống trải dài trong khoảng 3 cây số dọc bờ sông. Theo ông Nguyễn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, tuy sống ở bờ nam sông Cái, nhưng hầu hết các hoạt động thường ngày của người dân thôn Ngũ Mỹ đều ở phía bờ bắc. Các bà nội trợ đi chợ, học sinh đến trường, công nhân đến nhà máy… đều phải đi qua sông Cái trên một con đập ngăn nước nhỏ hẹp, gọi là đập dâng 7 xã, một công trình thủy lợi có nhiệm vụ ngăn nước, tưới tiêu ruộng đồng cho nhiều xã lân cận.
Con đập kiên cố nằm chắn ngang dòng sông này có mặt đập rộng khoảng 1,5m, 2 bên không có rào chắn. Tuy đây là một công trình thủy lợi, không bao gồm mục đích giao thông, nhưng lại là tuyến đường huyết mạch mà hàng nghìn người dân thôn Ngũ Mỹ ngày ngày đi qua. Vì là kiểu thiết kế đập tràn, nên chỉ cần mưa lớn kéo dài 3-4 ngày là nước sẽ tràn qua con đập này, người dân không thể đi lại. Trong một năm học, hàng trăm học sinh có nhà ở thôn Ngũ Mỹ nhiều lần phải nghỉ học do không thể qua đập lúc nước tràn.
UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương xây cầu
Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho hay: “Con đập tràn này không phải ai cũng qua được. Nhiều người đi xe máy, xe đạp đến đây phải dắt bộ qua do đường nhỏ hẹp, không có lan can. Cách đây 2 năm, mặc dù nước đang tràn qua nhưng vẫn có người liều lĩnh qua đập nên bị nước cuốn trôi gây tử vong. Các phương tiện 4 bánh cũng không thể qua đập, nên dù chỉ cách một con sông, các xe đều phải đi đường vòng cách xa hơn 10km. Ai muốn vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật dụng gì cũng đều phải trả chi phí rất cao do phải đi đường vòng. Nhiều năm nay, tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đều đề đạt nguyện vọng, mong muốn nhà nước đầu tư xây cầu ở khu vực này”.
Ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu qua sông Cái để phục vụ người dân thôn Ngũ Mỹ, xã Ninh Xuân và các khu vực lân cận là nhu cầu cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, khẩu độ lòng sông Cái tương đối lớn, trên 70m, kinh phí để thực hiện công trình lớn nên UBND thị xã không có khả năng. Cuối năm 2017, UBND thị xã đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 việc đầu tư cầu qua sông Cái, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như nguyện vọng của người dân thôn Ngũ Mỹ, xã Ninh Xuân.
Được biết, UBND tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương, giao UBND thị xã Ninh Hòa và các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất phương án. Chính vì thế, ngày 21-3-2018, lãnh đạo thị xã Ninh Hòa và các xã Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Phụng đã tổ chức khảo sát thực tế vị trí, làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh nhu cầu đầu tư. Theo ông Phan Văn Dọn - Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa, sau khi khảo sát thực tế một số vị trí, đơn vị tư vấn sẽ tiến hành nghiên cứu, xác định vị trí thích hợp, xây dựng phương án khả thi, tham mưu UBND thị xã đề xuất UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng cầu.
HỒNG ĐĂNG