10:03, 26/03/2018

Người lao động không nên cầm sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện tình trạng người lao động dùng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cầm cố để vay tiền. Đây là việc làm trái quy định của pháp luật. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:
 

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) dùng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cầm cố để vay tiền. Đây là việc làm trái quy định của pháp luật. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:
 
- Thực hiện quy định của Luật BHXH về việc trả sổ BHXH cho NLĐ tự quản lý thay vì chủ sử dụng lao động giữ sổ như trước đây, đến nay, BHXH tỉnh đã trả sổ cho NLĐ đạt tỷ lệ hơn 90% so với số lao động tham gia. Thông qua bưu điện, BHXH tỉnh đã chuyển trả sổ theo từng đơn vị cho từng NLĐ. Sau khi trả sổ, hàng năm, NLĐ được đơn vị BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu chủ sử dụng lao động và cơ quan cung cấp thông tin. Đồng thời, người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết thông tin về việc đóng BHXH cho NLĐ và công khai thông tin do cơ quan BHXH cung cấp. Việc NLĐ tự quản lý sổ và bảo quản sổ BHXH để thông qua đó NLĐ biết được số tiền lương tham gia BHXH của mình. Việc tự quản lý sổ BHXH và được cung cấp thông tin giúp NLĐ có cơ sở yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm đóng BHXH cho mình kịp thời. Qua đó, ngăn ngừa tình trạng NLĐ bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan BHXH, trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, khi NLĐ tự quản lý sổ BHXH của mình thì khi nghỉ việc sẽ được kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi làm việc tại các nơi khác. 

 

 
- Thưa ông, thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi cầm cố vay tiền. Vậy, trên địa bàn tỉnh có sự việc này hay không? Cơ quan BHXH đã có những biện pháp xử lý tình trạng này như thế nào?
 
- Hiện nay, chúng tôi chưa phát hiện, chưa tiếp nhận thông tin nào về việc NLĐ trên địa bàn tỉnh lấy sổ BHXH đi cầm cố để vay tiền. Tuy nhiên, BHXH tỉnh cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo và có nhiều văn bản hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động, NLĐ sau khi tiếp nhận quản lý sổ phải có trách nhiệm tự bảo đảm quyền lợi của chính mình, không được cho mượn, cầm cố sổ BHXH vì mục đích khác. Nếu chúng tôi phát hiện tình trạng NLĐ dùng sổ cầm cố để vay tiền thì sẽ cương quyết xử lý và không cấp lại sổ theo quy định của pháp luật. 
 
- Ông có khuyến cáo như thế nào đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh trong việc tự quản lý sổ BHXH? 
 
- NLĐ cần hiểu rõ sổ BHXH là tài sản của chính mình, để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Ngân hàng hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cho NLĐ vay tiền mà giữ sổ BHXH xem như tài sản thế chấp thì hoàn toàn chịu rủi ro. Bởi vì, NLĐ đang làm việc thì không thể thực hiện chốt sổ để giải quyết chế độ BHXH, vì thế người cho vay tiền hoàn toàn không thể mong đợi được trả nợ vay từ việc giữ sổ BHXH.
 
Đồng thời, nếu NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH theo quy định Quyết định số 1035 ngày 1-10-2015 và Quyết định số 595 ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Vì vậy, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này. Đặc biệt, NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cấp lại nếu cơ quan BHXH phát hiện thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
VĂN GIANG (Thực hiện)