11:03, 15/03/2018

Mỏ cát tự nhiên ở Rẫy Chồi: Cần được bảo vệ

Rẫy Chồi (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là mỏ cát tự nhiên hình thành từ lâu. Huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thắng đang tăng cường các giải pháp bảo vệ mỏ cát này trước tình trạng nơi này đang bị khai thác trái phép.

 

Rẫy Chồi (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là mỏ cát tự nhiên hình thành từ lâu. Huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thắng đang tăng cường các giải pháp bảo vệ mỏ cát này trước tình trạng nơi này đang bị khai thác trái phép.


 Lén lút khai thác


Theo chân ông Nguyễn Văn Lý - Tổ trưởng Tổ tuần tra xử lý khai thác cát xã Vạn Thắng, chúng tôi đến khu vực Rẫy Chồi thuộc địa bàn thôn Tân Dân 2. Đây là bãi cát hình thành tự nhiên có diện tích khá lớn, khoảng 12ha, một mặt tiếp giáp đường Nguyễn Huệ (thị trấn Vạn Giã) nối dài, một mặt giáp với cánh đồng nhỏ. Cát ở đây rất đẹp, trắng mịn, thích hợp với việc xây dựng. Chính vì vậy, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để khai thác cát trái phép.

 

Các cộ bò bị thu giữ.

Các cộ bò bị thu giữ.


Trước tình trạng này, xã Vạn Thắng đã thành lập tổ tuần tra gồm 7 người để tăng cường truy bắt. Tuy nhiên, các đối tượng rất ma mãnh, luôn thay đổi vị trí lấy cát, cử người theo dõi động tĩnh của lực lượng chức năng. Thời gian gần đây, các đối tượng chuyển qua sử dụng cộ bò thay cho việc sử dụng xe cơ giới. Đêm đến, khi phát hiện vệt đèn pin của lực lượng đi tuần, các đối tượng liền điện thoại báo cho nhau tháo bò, tẩu thoát. Khi đến nơi, lực lượng chức năng không thể lập biên bản, chỉ tịch thu tang vật là cộ bò đưa về trụ sở xã.


Tại khu vực trụ sở xã, hàng chục chiếc cộ bò nằm phơi nắng mưa. Ông Lý cho biết, các đối tượng thường không dám ký biên bản và “bỏ của chạy lấy người”, bởi theo quy định mới (Nghị định 33/2017 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), tiền nộp phạt gấp nhiều lần tiền thu tang vật, trong khi cộ bò trị giá khoảng 5 triệu đồng.  


Theo bà Lê Thị Linh - cán bộ địa chính và môi trường xã Vạn Thắng, khu vực Rẫy Chồi trước đây thuộc quản lý của Hợp tác xã Nông nghiệp I Vạn Thắng, tuy nhiên sau khi hợp tác xã giải thể, khu vực này do UBND xã quản lý. Những năm gần đây, hoạt động xây dựng phát triển nên các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động nhiều hơn. Năm 2016, tổ xử lý, tịch thu 19 cộ bò, năm 2017 tịch thu 15 cộ bò. Sắp tới, xã sẽ tăng cường tổ tuần tra lên 10 người, bố trí riêng một công an viên làm tổ trưởng. 

 
Tăng cường bảo vệ

 

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Tỉnh không quy hoạch Rẫy Chồi thành khu vực bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là do trữ lượng không lớn. Khu vực này trước đây nằm trong quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong nên cần được bảo vệ. Hiện nay, Trung ương xây dựng Vạn Ninh thành Đặc khu Hành chính - Kinh tế nên công tác bảo vệ càng được coi trọng hơn.

Ông Nguyễn Sáng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết: “Đến nay, xã mới chỉ có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ chứ chưa có phương án hiệu quả giải quyết nạn khai thác cát trái phép tại Rẫy Chồi. Nếu tính đúng tính đủ, chi phí cho đội tuần tra khá lớn, trong khi ngân sách xã hạn chế. Một phần kinh phí lấy từ tiền nộp phạt song kẻ gian bỏ tang vật nên không thu được chi phí nộp phạt. Vì thế, xã chủ yếu động viên anh em làm việc, chi bồi dưỡng xăng xe, chỉ có chuyên trách có thù lao 1,5 triệu đồng/tháng. Công việc tuần tra ban đêm rất vất vả, nhưng vì trách nhiệm chung nên anh em rất nhiệt tình”.   


Theo ông Võ Thành Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, Rẫy Chồi là khu vực cát hình thành tự nhiên nhưng không nằm trong quy hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tỉnh. Do đó, việc đề xuất giải quyết bằng các phương án khác rất khó. Huyện đã chỉ đạo xã Vạn Thắng lập đội tuần tra, truy quét, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực Rẫy Chồi. Xã Vạn Thắng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra truy quét song hoạt động khai thác lén lút vẫn chưa dừng lại. “Việc quy hoạch khu vực bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, huyện rất khó đề xuất phương án giải quyết cho doanh nghiệp khai thác hay chuyển sang làm việc khác. Hơn nữa, trước đây, khu vực này quy hoạch thành khu kinh tế nên trước mắt vẫn phải tăng cường công tác bảo vệ”, ông Sơn nói.


V.Lạc