Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải) đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ triển khai xây dựng đường cao tốc dài 29km với thiết kế 6 làn xe, tốc độ cho phép 120km/giờ.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ triển khai xây dựng đường cao tốc dài 29km với thiết kế 6 làn xe, tốc độ cho phép 120km/giờ.
Sửa phương án cũ
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, năm 2010, phương án xây dựng đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã được Bộ GTVT phê duyệt, nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên dự án bị dừng đến nay. Mới đây, Quốc hội đã đồng ý triển khai lại dự án, nằm trong chiến lược xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, 5 năm qua, hiện trạng khu vực lập dự án đã có một số thay đổi nên phải tiến hành khảo sát, rà soát lại các quy hoạch của tỉnh, các văn bản pháp luật mới. Đồng thời, lập báo cáo mới theo hướng giảm thiểu tối đa việc di dời nhà ở, giải phóng mặt bằng, ít ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, việc kết nối với các tuyến đường giao thông hiện tại được thuận lợi hơn. Chính vì vậy, phương án mới có một số điều chỉnh cho phù hợp.
Theo phương án đề xuất, từ điểm đầu tuyến (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) sẽ đi thẳng theo hướng tây bắc - đông nam, vượt qua núi Hòn Ngang. Tại đây sẽ xây dựng một đường hầm dài khoảng 480m. Đoạn đường cao tốc này kết thúc tại xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm), có tổng chiều dài 29km. So với phương án cũ, phương án mới tuyến đường đi thẳng, thuận lợi thi công, rút ngắn hơn phương án cũ 790m.
Phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Theo thiết kế, dự án đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm được xây dựng 6 làn xe, tốc độ 120km/giờ. Trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe. Tuy nhiên, khi triển khai phải giải phóng mặt bằng và cắm mốc 6 làn xe để khi có nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 chỉ việc bàn giao đất sạch.
Theo đơn vị tư vấn, tuy phương án mới có nhiều ưu điểm nhưng tuyến đường lại chạy qua trường bắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nằm ở huyện Diên Khánh. Chính vì vậy, phương án cần sự đồng thuận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong việc di dời trường bắn đi nơi khác. Ông Đinh Văn Thiệu - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, phương án mới khá hợp lý bởi đã né được phần lớn diện tích đất sản xuất lúa ở xã Diên Thọ. Vấn đề chạy qua trường bắn, nếu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đồng ý thì huyện sẽ tìm vị trí mới để di dời trường bắn. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho rằng, phương án mới cần có khảo sát cụ thể để làm đường gom, cống chui. Việc này phải đạt được sự đồng thuận của người dân, vì vậy cần làm việc với từng xã mà đường cao tốc đi qua, tránh ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân.
Mới đây, trong cuộc họp nghe báo cáo phương án khả thi dự án này, đồng chí Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao phương án mới vì đã đưa ra được hướng tuyến hợp lý cho đường cao tốc. Tuy nhiên, phương án này phải làm rõ các kết nối giữa đường cao tốc với quốc lộ và các đường của tỉnh để có hệ thống giao thông chung, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về địa điểm thay thế trường bắn, đồng chí giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND huyện Diên Khánh sớm tìm quỹ đất thay thế.
VĂN KỲ
Ngày 22-11-2017, Quốc hội đã thông qua dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án dự kiến đầu tư 654km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách; sơ bộ nhu cầu sử dụng đất hơn 3.700ha, trong đó hơn 1.000ha đất trồng lúa... Về tiến độ, Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.