Đầu năm 2018, đến đảo Bình Ba, chúng tôi thấy các xe điện ở đây đã tạm ngừng hoạt động chở khách du lịch. Trên đảo chỉ còn xe gắn máy cho thuê hoặc chở khách bằng xe ô tô jeep đã cũ.
Đầu năm 2018, đến đảo Bình Ba, chúng tôi thấy các xe điện ở đây đã tạm ngừng hoạt động chở khách du lịch. Trên đảo chỉ còn xe gắn máy cho thuê hoặc chở khách bằng xe ô tô jeep đã cũ.
Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, cùng với sự phát triển của du lịch, xe điện bắt đầu xuất hiện trên đảo Bình Ba vào năm 2014 và sau đó là đảo Bình Hưng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, đây là loại xe không được phép hoạt động trong khu dân cư, nhất là chạy trên các cung đường vòng vèo trên đảo lại càng nguy hiểm. Chính vì vậy từ năm 2015, UBND tỉnh đã yêu cầu cấm phương tiện này hoạt động chở khách tại xã Cam Bình.
Đợt Tết Dương lịch vừa qua, Công an xã Cam Bình đã ra quân dẹp các xe điện chở khách trên đảo Bình Ba. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng yêu cầu ngừng hoạt động thì các chủ xe không chấp hành. Lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ xe thì các chủ xe phản ứng dữ dội. “Chúng tôi đã lập biên bản tạm giữ 5 xe điện chờ xử lý. Hiện tại, các chủ phương tiện đã ngừng hoạt động. Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền đến các hộ để họ hiểu chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cần sự phối hợp của UBND, Công an TP. Cam Ranh để xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông Ân cho biết.
Hiện nay, xã Cam Bình có 50 chiếc xe điện, trong đó đảo Bình Ba có hơn 30 chiếc. Tìm hiểu được biết, hầu hết các chủ phương tiện đều muốn chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xe điện tiếp tục lưu thông. Một chủ phương tiện bày tỏ: “Chúng tôi đã mua và đưa xe vào hoạt động từ nhiều năm nay. Nếu chính quyền không cho xe hoạt động thì rất thiệt thòi cho chúng tôi. Mong rằng chính quyền sẽ có hướng giải quyết mang lại lợi ích cho chúng tôi mà vẫn bảo đảm đúng các quy định của pháp luật”.
Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện tại một số địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có 3 đơn vị được tham gia thí điểm loại hình này với tổng số 33 phương tiện, gồm: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Sao Mai; Công ty Cổ phần Du lịch khoáng nóng Nha Trang Seafood F17 và Công ty Cổ phần Du lịch Hải Đảo. Mới đây, Sở Giao thông vận tải cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh không phát triển thêm loại hình này. Bởi sau thời gian thí điểm, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị Chính phủ đưa ra quyết định về loại hình phương tiện này.
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ngoài 3 doanh nghiệp được tham gia thí điểm thì các xe điện chạy ngoài đường công cộng, trong khu dân cư là trái quy định. Các phương tiện này chỉ được phép chạy trong khu du lịch nội bộ của mình. Như vậy, đối với những xe điện chạy ở đường công cộng tại các đảo của Cam Bình là sai quy định. Sở đã yêu cầu địa phương phải có trách nhiệm quản lý, xử lý nếu các phương tiện này cố tình lưu thông trên các tuyến đường công cộng. Tới đây, sở sẽ phối hợp với TP. Cam Ranh để kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến loại hình phương tiện này.
VĂN KỲ - MẠNH HÙNG