Năm nay, phụ thu giá cước vận tải hành khách các tuyến cố định trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tối đa 60%. Sở Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải nghiêm túc thực hiện, nếu tự ý tăng giá sẽ bị phạt.
Năm nay, phụ thu giá cước vận tải hành khách các tuyến cố định trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tối đa 60%. Sở Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải nghiêm túc thực hiện, nếu tự ý tăng giá sẽ bị phạt.
Không biến động nhiều
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải trong việc kê khai giá cước vận chuyển phục vụ hành khách, đồng thời bảo đảm mức giá cước ngày Tết không tăng bất hợp lý, liên Sở Tài chính và GTVT đã thống nhất các nội dung liên quan về tỷ lệ phụ thu.
Cụ thể, tỷ lệ phụ thu giá cước được tính theo 2 giai đoạn: trước và sau Tết Nguyên đán. Thời gian trước Tết được tính từ ngày 31-1-2018 (tức ngày 15-12 âm lịch) đến 25-2-2018 (tức ngày 10 Tết). Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tỷ lệ phụ thu giá cước cao nhất không quá 60% đối với chiều đông, đối với chiều rỗng các doanh nghiệp không được phép phụ thu. “Chúng tôi tính toán chia làm 7 tuyến vận tải đi và về gồm: Khánh Hòa đi TP. Hồ Chí Minh, chạy các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đi các tỉnh phía bắc. Đối với mỗi tuyến đều có tỷ lệ phụ thu riêng, các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm việc kê khai giá vé, không được phép tùy tiện tăng. So với phụ thu giá vé những năm trước năm nay không có biến động nhiều. Dự báo, hành khách đi về tuyến Khánh Hòa - TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cao nhất”, ông Dần nói.
Riêng các tuyến Khánh Hòa đi Hà Nội, Thanh Hóa, TP. Vinh và ngược lại thực hiện giá hiệp thương theo từng loại xe, thời gian từ ngày 6 đến 15-2. Cụ thể, xe giường nằm máy lạnh Khánh Hòa đi TP. Vinh có giá 1 triệu đồng, đi Thanh Hóa 1,1 triệu đồng và đi Hà Nội 1,2 triệu đồng; xe ghế ngồi, máy lạnh đi Thanh Hóa là 900.000 đồng và đi Hà Nội 1 triệu đồng, không có xe đi TP. Vinh. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp sắp xếp 22 chuyến để phục vụ hành khách 3 địa phương nói trên.
Sẽ bị phạt nếu doanh nghiệp tự ý tăng giá
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải tuyến cố định chuẩn bị đủ phương tiện, đơn vị nào có nhu cầu bổ sung xe phải đăng ký ngay để kiểm tra, cấp phù hiệu tạm thời. Các đơn vị phối hợp với bến xe để có phương án bố trí mỗi ngày tại bến có ít nhất một xe dự phòng từ 30 ghế trở lên sẵn sàng giải tỏa khách khi có yêu cầu. Đối với đơn vị có lịch trực sẽ ưu tiên giải tỏa khách ngày liền kề.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải quán triệt các tài xế chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông, nghiêm cấm uống rượu, bia trước và trong khi lái xe. Từng đơn vị chia ca, lịch hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho tài xế có thể lái xe với trạng thái tốt nhất. Ngoài ra, sở yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc đón trả khách ngay tại bến, nghiêm cấm đậu, đỗ đón khách trong nội thành TP. Nha Trang gây mất an toàn giao thông. Lực lượng thanh tra giao thông và đội liên ngành sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đại diện Sở Tài chính cho biết, tổ kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Dương lịch vừa qua phát hiện một số doanh nghiệp liên kết với nhau “lách luật” khi tăng vé vượt mức quy định bằng chiêu “chở giúp lấy hoa hồng”. Một số đại lý bán vé ủy quyền bán vé cao hơn để ăn hoa hồng, đây là việc làm sai quy định. “Khi chúng tôi kiểm tra, khách đi xe của nhà xe này nhưng vé ghi của xe khác. Số tiền lấy vượt của khách thì nhà xe phân trần rằng do không phải khách của mình, chở giúp nên phải thu thêm. Trong đợt Tết Nguyên đán này, chúng tôi sẽ làm nghiêm, doanh nghiệp nào cố tình tự ý tăng giá vé so với quy định dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ bị phạt từ 40 đến 60 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chánh Thanh tra Sở Tài chính khẳng định.
Ngoài ra, năm nay, theo quy định mới, mỗi doanh nghiệp sẽ được kiểm tra ít nhất một lần trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có dấu hiệu vi phạm sẽ kiểm tra đột xuất và không quy định số lần.
THÀNH NAM