10:01, 23/01/2018

Nhiều quy định mới về hoạt động xét xử

Từ ngày 1-1-2018, nhiều văn bản pháp luật, quy định tiến bộ liên quan đến hoạt động xét xử có hiệu lực. 

Từ ngày 1-1-2018, nhiều văn bản pháp luật, quy định tiến bộ liên quan đến hoạt động xét xử có hiệu lực. Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Anh - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết:

 


- Trong số các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự (BLHS) tác động trực tiếp đến hoạt động xét xử, hình thức bố trí phòng xử án. Ngày 28-7-2017, TAND Tối cao cũng có Thông tư số 01 quy định về phòng xử án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Thông tư phân 3 loại phòng xử án sơ thẩm và phúc thẩm gồm: phòng xử án hình sự; phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.


Phòng xử án hình sự, hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có tường sơn màu vàng; bố trí 2 bục: hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở bục cao nhất; bục thứ hai dành cho những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp. Giữa hai khu vực này có hàng rào ngăn cách. Điểm nổi bật là chiếc vành móng ngựa đã được thay bằng bục khai báo của bị cáo.


Ở phòng xử án và giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, vị trí người chưa thành niên, tường sơn màu xanh, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp được bố trí ngang nhau. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.


Trước đó, ngày 3-10-2016, TAND Tối cao cũng có Quyết định số 210 quy định, từ ngày 1-1-2018, thẩm phán trong cả nước sẽ mặc áo choàng dài tay khi xét xử (một số tòa án thí điểm từ ngày 1-12-2016).


- Tại Khánh Hòa, đến nay đã triển khai các quy định mới như thế nào, thưa ông?


- Đối với các quy định của BLHS và Bộ luật Tố tụng Hình sự có lợi cho bị cáo, TAND hai cấp tỉnh đã áp dụng từ ngày các đạo luật này được công bố. Ví dụ, đối với vụ án có bị cáo bị xét xử về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 5 người (trước đây chỉ áp dụng khi mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình). Bị cáo bị truy tố về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù trở lên mà bị cáo hoặc người thân của họ không mời người bào chữa, tòa án đều chỉ định người bào chữa (trước đây, chỉ áp dụng khi mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình)...


Đối với phòng xử án, hiện tại, TAND tỉnh đã xây dựng dự trù kinh phí nối mạng trực tuyến phiên tòa với tất cả TAND thuộc tỉnh và từ TAND tỉnh đến các cơ quan liên quan, trung tâm điều khiển đặt tại TAND tỉnh nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, nâng cao tính minh bạch, công khai trong xét xử. Dự án đã trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, dự kiến triển khai trong năm 2018, khi được cấp kinh phí.


Đối với các thiết bị cần thiết cho phòng xử án cũng như trang phục cho thẩm phán, để đảm bảo sự thống nhất trong toàn quốc, TAND Tối cao tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung rồi phân bổ về các tỉnh, dự kiến thực hiện đầu năm 2018. Hiện tại, TAND 2 cấp tỉnh bố trí tạm thời vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp và bục khai báo của bị cáo theo quy định mới. Trong điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí hiện có, TAND tỉnh đã cải tạo các phòng làm việc, phòng xử án cũ để hoàn thiện phòng xử án và giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, người chưa thành niên. Từ nay, các vụ việc về hôn nhân gia đình và người chưa thành niên sẽ được xét xử tại phòng xử riêng.  


- Xin cảm ơn ông!


NGUYỄN VŨ (Thực hiện)