Theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, TP. Nha Trang phấn đấu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo đảm tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt từ 70 đến 100%.
Theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, TP. Nha Trang phấn đấu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo đảm tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt từ 70 đến 100%.
Nhiều lao động được học nghề
Bà Đinh Thị Nam - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Hàng năm, phòng đều xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền, tập huấn về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố. Bên cạnh đó, thực hiện việc tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động; tổ chức cho người lao động sau khi học nghề được tham quan, học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở các địa phương. Từ năm 2012 đến tháng 6-2017, TP. Nha Trang đã tổ chức 113 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 2.913 học viên. Sau đào tạo, số lao động có việc làm ổn định đạt từ 75 đến 80%.
Bà Nguyễn Thị Phương Duyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, những năm qua, hội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hoa Hướng Dương để tổ chức các lớp dạy nghề nữ công gia chánh cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các chị có nghề để kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các cơ sở hội phụ nữ xã, phường khối nông nghiệp đã tư vấn, phối hợp đào tạo nghề cho 1.172 lao động nữ với các nghề như: đan chiếu cói, đan ghế song mây, may công nghiệp, xâu kết hạt cườm, thêu tay, nấu ăn, tỉa củ quả…
Quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo
Hiện nay, thành phố có nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao như: hộ gia đình ông Phùng Anh Dũng (xã Phước Đồng) với mô hình VAC cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động; hộ ông Lê Đình Cừu (phường Vĩnh Hải) với mô hình nuôi bò kết hợp kinh tế vườn đồi cho thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động; hộ ông Nguyễn Ngọc Anh (xã Vĩnh Hiệp) với mô hình lúa - dừa xiêm cho thu nhập hơn 310 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động; hộ ông Nguyễn Văn Phúc (xã Vĩnh Phương) với mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động; hộ ông Nguyễn Văn Sơn, với mô hình lúa - cây cảnh cho thu nhập hơn 210 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động… |
Theo bà Đinh Thị Nam, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Các lĩnh vực đào tạo nghề chưa đa dạng, mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và phục vụ công việc tại chỗ, chưa gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, khảo sát nhu cầu học nghề ở một số địa phương chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động; sự phối kết hợp của các hội, đoàn thể và UBND các xã, phường chưa thật sự chặt chẽ…
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu; tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động, phân loại đối tượng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất canh tác. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm bằng cách tạo lập mối liên hệ liên kết giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
“Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, thành phố sẽ xem xét, lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp, tăng thời lượng thực hành, tạo kỹ năng cho người học. Song song đó, xây dựng các mô hình tổ sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tạo việc làm bền vững cho người lao động sau học nghề, từng bước nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn thành phố”, bà Đinh Thị Nam nói.
THU HƯƠNG