Từ khi đề án cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) phát huy hiệu quả, trên địa bàn các xã bắt đầu có dấu hiệu "sốt" đất trồng cây đặc sản.
Từ khi đề án cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) phát huy hiệu quả, trên địa bàn các xã bắt đầu có dấu hiệu “sốt” đất trồng cây đặc sản.
Giá đất tăng 2 - 3 lần
Trong vai người mua đất dựng trang trại, tôi đến xã Khánh Trung, được một người miền Tây tên L. cho biết, hiện nay, đất lập vườn tại đây có giá 200 triệu đồng/ha, cao hơn 50 triệu đồng/ha so với 1 - 2 năm trước. Đây đều là đất có thể lập vườn trồng cây đặc sản, thuận lợi về giao thông, điện, nước. Được biết, L. định cư tại Khánh Vĩnh đã được 3 năm. Mấy năm trước, “chân ướt chân ráo” tới Khánh Trung lập nghiệp, sau đó, anh mua một lô đất 2,4ha ở xã Khánh Bình, với giá 320 triệu đồng để trồng bưởi. Hiện nay, cũng bà chủ đó bán tiếp lô đất liền kề, diện tích 3ha với giá 1 tỷ đồng. L. nói nếu tôi muốn mua, anh sẵn sàng giới thiệu những lô đất có diện tích phù hợp, nếu cần ra sổ thì đến UBND xã làm ngay.
Bà K. - người dân ở xã Khánh Hiệp cho hay, sau khi Nhà nước thu hồi đất làm trường bắn thì đất sản xuất tại địa phương trở nên khan hiếm. Bà đang đi tìm đất để canh tác sau khi 10ha đất mía của gia đình nằm trong quy hoạch đất quốc phòng. “Nhà nước thu hồi đất với giá rất khuyến khích, bình quân được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay, đất sản xuất khu vực này rất khan hiếm, tôi cũng đang muốn tìm mua để canh tác nhưng chưa có”, bà K. nói.
Hai năm gần đây, giá đất tại xã Khánh Nam cũng tăng nhanh. Ông M. - người trồng bưởi tại thôn 6 đang muốn bán đất mía của mình với giá 500 triệu đồng/ha. “Đây là đất trồng mía nhưng có thể lập vườn rất tốt, đầy đủ điện, đường, cách sông 2km. Nếu gần sông Giang thì giá còn cao hơn! Hiện nay, có nhiều người từ Đà Lạt, miền Tây tới hỏi mua đất làm vườn. Giá đất trồng mía tại khu vực trung tâm xã 350 - 370 triệu đồng/ha, trong khi năm ngoái chỉ có giá 150 triệu đồng/ha”, ông M. nói.
Đất khu vực xã Sông Cầu gần đây cũng lên cơn sốt khi tỉnh đầu tư xây dựng cụm công nghiệp. Ông D. - người trồng bưởi có tiếng trong xã cho biết, dự tính bán lô đất trồng keo rộng 16ha của mình tại thôn Nam với giá 250 triệu đồng/ha. Đây là lô đất đang trồng keo 3, 4 năm tuổi. Trên địa bàn gần đây rộ lên các giao dịch mua bán đất, chỉ trong 1 năm, giá đất trong khu vực đã tăng thêm 100 - 150 triệu đồng/ha.
Nhiều người lý giải, sở dĩ gần đây giá đất nông nghiệp ở Khánh Vĩnh tăng là do hiệu quả từ các loại cây trồng chủ lực mang lại. Ông Lê Trần Tiến Dũng - người trồng sầu riêng tại thôn Tà Mơ, Khánh Thành cho biết, ông có 3ha sầu riêng, sản lượng bình quân 14 - 15 tấn/năm. Với giá bán sỉ tại vườn 40.000 đồng/kg, hàng chín 70.000 đồng/kg, thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trên địa bàn còn có mô hình trồng bưởi da xanh của ông Đỗ Văn Hưởng, thôn Ma Lý Thượng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện tại, giá đất lập vườn ở Khánh Thành tăng mạnh. Đất bằng làm trang trại có sổ giá 150 - 200 triệu đồng/ha, không có sổ giá 70 - 80 triệu đồng/ha, trong khi mấy năm trước giá vài chục triệu đồng/ha.
Hạn chế chuyển nhượng
Đề án phát triển cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 gồm 4 loại cây: bưởi da xanh, mít nghệ, xoài và sầu riêng. Hiện nay, diện tích bưởi đã phát triển hơn 500ha, sầu riêng hơn 120ha. Huyện đang xây dựng Vietgap cho cây bưởi, hướng tới phát triển thương hiệu. Phấn đấu tới năm 2020, toàn huyện sẽ đạt 1.200ha đối với 4 loại cây trồng chủ lực. Việc phát triển các loại cây này được lồng ghép vào nhiều chương trình như: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội miền núi; hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị... |
Ông Lê Xuân Khoa - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Khánh Vĩnh cho biết, tuy giá đất có tăng nhưng trên địa bàn huyện chưa xảy ra hiện tượng “sốt” đất. “Vừa qua, có một số giao dịch chuyển nhượng đất từ người tỉnh khác tới như: Lâm Đồng, Tiền Giang, Hậu Giang nhưng không rộ. Hiện nay, trên địa bàn, việc chuyển nhượng đất diễn ra bình thường, chưa có đột biến, bình quân 300 - 400 hồ sơ/năm”, ông Khoa nói.
Có thể nói, vài năm gần đây, đề án cây trồng chủ lực của huyện Khánh Vĩnh đã bước đầu phát huy tác dụng. Giá đất tăng phản ánh đúng giá trị của các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn. Cây chủ lực đã nhanh chóng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của Khánh Vĩnh và cho nguồn thu cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chính sách kinh tế nông nghiệp của huyện đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, bên cạnh tín hiệu vui thì vẫn có điều băn khoăn. Giá đất nông nghiệp tăng dẫn tới việc chuyển nhượng đất sản xuất của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này dẫn tới hệ lụy lớn khi đồng bào không còn đất sản xuất, tiếp tục rơi vào vòng xoáy đói nghèo, thiếu đất.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, trên địa bàn huyện, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Giá đất tăng sẽ kích thích đồng bào bán đất, lấy tiền chi vào tiêu dùng. Khi hết tiền, không còn đất sản xuất, Nhà nước lại phải hỗ trợ. Giá đất tăng là điều có thật nhưng chưa sốt, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng, giá đất cao phản ánh đúng bản chất kinh tế thị trường khi các mô hình cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả. Để giữ đất cho người dân, ngăn chặn việc bán đất và đặc biệt là đất bóc tách từ lâm trường, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ vấn đề này.
V.Lạc