11:01, 28/01/2018

Gỡ khó hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 12

Sáng 27-1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Khánh Hòa về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12.

Sáng 27-1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Khánh Hòa về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.
 
 
Cơ bản khắc phục xong hạ tầng, nhà ở
 
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, được sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp khẩn trương hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão. Trong đó, đã hỗ trợ cho các hộ gia đình có người chết, bị thương tổng cộng 836 triệu đồng; hỗ trợ khắc phục sửa chữa 8.102 căn nhà cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà bị sập, hư hỏng nặng, rất nặng với kinh phí từ ngân sách hơn 60 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 46,9 tỷ đồng, vốn viện trợ từ Cộng hòa Liên bang Nga 10,78 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 2,5 tỷ đồng) và từ nguồn vận động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ 600 tấn xi măng, 5.000 tấm lợp quy cách.
 

Hiện nay, công tác khắc phục nhà ở thuộc diện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 136 của Chính phủ đã cơ bản hoàn tất. Cụ thể, trong số 1.736 nhà sập hoàn toàn hiện đã xây dựng xong 766 nhà, đang xây dựng 728 nhà, dự kiến hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán 2018 để người dân có nhà đón Tết; còn lại 242 nhà (chiếm 14%) chưa xây dựng do các lý do khách quan như: nhà có tang, phong tục người dân không muốn xây nhà trong 2 năm... Các hộ này đang ở tạm nhà của người thân và cam kết sẽ xây dựng nhà sau Tết Nguyên đán 2018. Trong số 6.366 nhà hư hỏng nặng, rất nặng, đã sửa xong 3.430 nhà (đạt 55%); số nhà còn lại dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Với các nhà hư hỏng nhẹ, người dân đã chủ động sửa chữa, khắc phục.

 
UBND tỉnh đã cấp bổ sung 18,5 tỷ đồng để mua 1.500 tấn gạo trợ cấp cho người dân, đồng thời phân bổ 500 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ đến người dân vùng bị thiệt hại. Về khắc phục cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh đã phân bổ cho các sở, ngành, địa phương 436 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 213,1 tỷ đồng, vốn viện trợ từ Cộng hòa Liên bang Nga 8 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 207,33 tỷ đồng, Quỹ phòng chống thiên tai 6,98 tỷ đồng) để sửa chữa trường học, cơ sở y tế, công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng và các công trình thiết yếu khác. Đến nay, 100% trường học, cơ sở y tế, công trình hạ tầng trụ sở làm việc trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa khắc phục tạm, đảm bảo điều kiện làm việc, học tập cho học sinh và khám, chữa bệnh cho người dân.

 

Trao 200 suất quà hỗ trợ người dân Khánh Hòa bị ảnh hưởng cơn bão số 12.
Trao 200 suất quà hỗ trợ người dân Khánh Hòa bị ảnh hưởng cơn bão số 12.
 
 
Gặp khó trong hỗ trợ nông nghiệp
 
 
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, người dân hiện nay đã gieo trồng gần 20.000ha lúa vụ đông xuân 2017 - 2018, đạt 100% kế hoạch; đã khôi phục sản xuất 30.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu các loại, diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại người dân đã thu dọn cây bị gãy đổ và đang lập kế hoạch khôi phục. Người dân cũng đã khắc phục hơn 3.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, khôi phục hơn 14.500 lồng bè hư hỏng, sửa chữa gần 100 tàu công suất trên 90CV để kịp thời đưa vào sản xuất, đánh bắt.
 
 
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp đang gặp khó khăn. Qua thống kê, tổng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp được người dân kê khai, đề nghị hỗ trợ là 1.675 tỷ đồng (mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017 ngày 9-1-2017 của Chính phủ), trong đó, các hộ có kê khai đầy đủ theo quy định và đã được Sở NN-PTNT thẩm định là 264 tỷ đồng. Các hộ không kê khai ban đầu, chưa đủ điều kiện được hỗ trợ khá lớn (với số tiền 1.411 tỷ đồng). Hiện nay, ngân sách tỉnh gặp khó khăn nên chưa có nguồn phân bổ hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại theo quy định.
 
 
Được biết, theo Nghị định số 02 của Chính phủ, đối với việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho người dân bị thiệt hại có đầy đủ thủ tục, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh khó khăn nên tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh đã đề xuất Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương (264 tỷ đồng). Đối với việc hỗ trợ cho các đối tượng không có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 02, đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc áp dụng trình tự thủ tục xác định thiệt hại và hỗ trợ đối với các hộ không có kê khai ban đầu và không phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan việc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng yếu trên địa bàn tỉnh.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và cho biết sẽ tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan biện pháp giải quyết. Về nhà ở, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tổ chức các đoàn công tác đến từng hộ gia đình được hỗ trợ xây, sửa nhà ở, kịp thời động viên và kiểm tra thực tế tình hình thực hiện công tác này. Trước mắt, tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân đón Tết Nguyên đán bị đói, không có nhà ở. Đối với thiệt hại của ngành Nông nghiệp, công tác hỗ trợ khi triển khai phải đáp ứng được 2 yêu cầu là công bằng và công khai. “Đề nghị tỉnh có văn bản đề xuất các bộ, ngành liên quan chủ trương hỗ trợ 100% ngân sách từ trung ương thay vì 50 - 50 theo Nghị định 02 của Chính phủ. Về thiệt hại hơn 1.400 tỷ không có đầy đủ hồ sơ, chứng nhận theo quy định, tỉnh cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xây dựng chính sách đặc thù trình Chính phủ, bộ, ngành xem xét. Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngoài việc bám sát và tuân thủ quy hoạch tạm thời của tỉnh, đây cũng là dịp để thay đổi công nghệ nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nghệ đó nếu quá sức đầu tư của 1 hộ thì có thể hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
 
 
Hồng Đăng