11:12, 22/12/2017

Hiến kế chống ùn tắc giao thông ở Nha Trang

Sáng 22-12, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn tri thức lần thứ 2 với chủ đề: "Các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang". Tại diễn đàn, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận...

 

Sáng 22-12, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn tri thức lần thứ 2 với chủ đề: “Các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang”. Tại diễn đàn, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận...


Hạ tầng giao thông yếu


Theo Ban An toàn giao thông TP. Nha Trang, tỷ lệ tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn trong 3 năm qua bình quân từ 6,65 đến 7,74%. Trong đó, phương tiện ô tô tăng bình quân từ 25,63 đến 27,9%; đặc biệt trong năm 2017, phương tiện ô tô tăng 60,7%, mô tô tăng 12,9% so với năm 2015. Tỷ lệ tăng trưởng này vượt ngoài dự đoán của Đề án Phát triển, tổ chức giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hiện nay, bình quân cứ 1 người dân Nha Trang sở hữu 1,1 phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó 18 người/1 ô tô.

 

Bên cạnh đó, hiện nay, thành phố còn có các phương tiện cơ giới đường bộ thuộc các tỉnh, thành trong cả nước đang hoạt động với khoảng gần 1.400 xe ô tô. Cùng với đó, TP. Nha Trang hiện có gần 500 tuyến đường nội thị, đường huyện, tỉnh, quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 308km, trong đó thành phố quản lý gần 225km đường nội thị, huyện. Theo đánh giá, mạng lưới đường của thành phố có dạng hình nan quạt, đã được đầu tư từ nhiều năm trước, mặt cắt ngang chủ yếu là 5 - 10m, riêng các đường vành đai, trục chính xuyên tâm được thiết kế từ 10 - 13m.


Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đánh giá, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị thành phố còn yếu, không kịp đáp ứng nhu cầu giao thông thực tế so với lượng phương tiện. Mặt khác, việc cải tạo, đầu tư các tuyến đường cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc nhiều vấn đề từ kinh phí đến giải tỏa. Chính vì vậy, dẫn đến lưu lượng và khả năng thông hành của các phương tiện trên từng tuyến đường trung tâm thành phố tăng đột biến, gây ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố phổ biến là làn xe hỗn hợp, gây sự lộn xộn trên đường, giảm đi năng lực thông hành của từng tuyến và nhất là các nút giao thông.


Những năm gần đây, với sự gia tăng về lượng khách du lịch, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 4 sao phát triển nhanh chóng, đặc biệt là các công trình cao tầng (tổ hợp căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại…) được đầu tư với tốc độ nhanh, nằm dọc các trục đường chính cũng là một nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến này.

 

Phương tiện giao thông dày đặc trên đường 2-4

Phương tiện giao thông dày đặc trên đường 2-4, TP. Nha Trang

 

Nhiều giải pháp


Tại diễn đàn, nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm hiến kế giúp thành phố giải quyết tình trạng kẹt xe cục bộ. Theo kiến trúc sư Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, cần phải tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông TP. Nha Trang. Theo đó, các cơ quan chức năng cần quản lý trật tự đô thị đúng công năng, đặc biệt đối với tầng hầm, tầng trệt các công trình nhà thiết kế chỗ để xe thì không được kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng lề đường, nên thu phí thuê vỉa hè để xe mô tô (có lề đường lớn hơn 2,5m) của cơ sở kinh doanh… giống như thuê vỉa hè tập kết vật liệu thi công xây dựng. Đối với khu dân cư đô thị mới, quy hoạch nhà ở phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, văn hóa thông tin, chợ, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, giải trí, thư giãn…) của người dân trong bán kính đi bộ không lớn hơn 500m nhằm khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.

 

Ông Lê Trung Hưng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh: Việc tổ chức diễn đàn với chủ đề giải pháp chống ùn tắc giao thông TP. Nha Trang nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm người thực thi công vụ. Đồng thời, tìm ra các giải pháp phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện vận tải hiện nay. Qua diễn đàn, sẽ thu thập những ý kiến, ý tưởng về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, tiến tới áp dụng vào thực tế trong thời gian đến.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, địa phương cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 1396 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025”, trong đó quy định khu chức năng, quy mô đất xây dựng, quy mô dân số, chiều cao xây dựng tối đa, mật độ xây dựng… Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng nhấn mạnh yếu tố dân số, đến năm 2025 dân số toàn thành phố khoảng 630.00 người, trong đó nội thành khoảng 560.000 người (cộng lượng du khách đến hàng ngày) mới tính toán, giải quyết được sự ùn tắc giao thông như hiện nay.


Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP. Nha Trang cho rằng, vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy đã quyết liệt triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng vẫn cần có những điều chỉnh để bảo đảm giao thông trên địa bàn thành phố tốt hơn. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung rà soát, điều tra cơ bản tuyến Trần Phú và các nút giao thông phức tạp, từ đó có điều chỉnh về phân luồng giao thông. Đồng thời, kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố thay đổi giờ cấm đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách có tải trọng lớn trong giờ cao điểm, để hạn chế ùn tắc và bảo đảm vệ sinh môi trường…


Theo ông Nguyễn Tuấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Khánh Hòa, nâng cao chất lượng các công trình giao thông sẽ góp phần để các phương tiện lưu thông tốt hơn. Công tác quản lý chất lượng công trình giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều giai đoạn, từ bước chuẩn bị, khảo sát thiết kế, thẩm tra, phê duyệt, thi công, nghiệm thu và bảo hành… Các đơn vị liên quan như: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước cần phải coi chất lượng công trình là trách nhiệm, điều sống còn và là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.


THÀNH NAM