10:12, 14/12/2017

Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống mua bán người

UBND TP. Nha Trang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Truyền thông phòng, chống mua bán người" đến năm 2020. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND  TP. Nha Trang cho biết, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân, giảm nguy cơ và tội phạm mua bán người, ....

UBND TP. Nha Trang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông phòng, chống mua bán người - PCMBN” đến năm 2020. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND  TP. Nha Trang cho biết, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân, giảm nguy cơ và tội phạm mua bán người, đồng thời giúp người dân cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực tham gia phòng ngừa tình trạng mua bán người.


- Xin ông cho biết rõ hơn về các chỉ tiêu mà đề án phải thực hiện từ nay đến năm 2020?

 


- Chỉ tiêu cụ thể của đề án đưa ra đến năm 2018 là có 75% và đến năm 2020 có 100% xã, phường trên toàn thành phố  nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về PCMBN. Đến năm 2020, có ít nhất 30% số xã, phường thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị bán trở về hoặc có nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người; 50% số xã, phường trên địa bàn thành phố có mô hình lồng ghép về PCMBN. Bên cạnh đó, có 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi 14 - 60, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận thông tin, có kiến thức pháp luật về PCMBN và kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.


- Đề án được triển khai thực hiện như thế nào để đạt các mục tiêu trên, thưa ông?


- Từ năm 2018 đến năm 2020, đề án được triển khai thành 2 tiểu đề án. Tiểu đề án 1 “Truyền thông PCMBN trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố phụ trách. Theo đó, Phòng Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm hướng dẫn đài truyền thanh các xã, phường tuyên truyền thường xuyên trên loa đài về công tác PCMBN; phối hợp với Đài Truyền thanh thành phố thực hiện các chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật về PCMBN nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến dấu hiệu mua bán người.


Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền đến từng địa bàn, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố, trong đó chú trọng tuyên truyền các dấu hiệu, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh PCMBN. Hàng năm, hướng dẫn thông tin tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Toàn dân PCMBN và ngày Thế giới PCMBN 30-7. Nội dung tuyên truyền chú trọng các tình huống xảy ra trong thực tế, giới thiệu những kinh nghiệm hay, gương điển hình tiên tiến trong PCMBN; cảnh báo tình trạng mua bán người vì mục đích cưỡng bức tình dục, cưỡng bức lao động, môi giới hôn nhân trái phép, lao động qua biên giới và tội phạm mua bán nội tạng; thông báo đường dây nóng 18001567 tư vấn và hỗ trợ phòng, chống mua bán người của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số đường dây nóng khác…


Tiểu đề án 2 “Truyền thông PCMBN tại cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phụ trách. Theo đó, Hội LHPN thành phố có trách nhiệm triển khai chương trình truyền thông thay đổi hành vi PCMBN tại cộng đồng trên toàn thành phố và trong các cấp hội phụ nữ. Hội LHPN thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan, cập nhập tin tức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, trường học, các địa điểm hoạt động du lịch.


Các cấp hội phụ nữ vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác và ngăn chặn các hành vi tội phạm mua bán người; tổ chức các diễn đàn, hội thi, nhất là tại trường học để giúp học sinh tìm hiểu các vấn đề về tội phạm mua bán người; tổ chức các buổi đối thoại, tư vấn và trao đổi trực tiếp cho phụ nữ, người dân và cộng đồng về pháp luật PCMBN và các vấn đề có liên quan đến lao động di cư, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi, hộ tịch.


Song song đó, thực hiện tuyên truyền về PCMBN lồng với các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân nghèo tại địa phương, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao, đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn và củng cố đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên tại cộng đồng, huy động sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng, vận động những người từng là nạn nhân bị mua bán trở về, hoặc tội phạm từng mua bán người đã hoàn lương tham gia các chương trình tuyên truyền PCMBN tại cộng đồng.


Các cấp hội thu thập nắm bắt kịp thời các thông tin, các dấu hiệu liên quan đến mua bán người thông qua các mô hình hoạt động của hội phụ nữ xã, phường; thường xuyên theo dõi, nắm bắt các thông tin liên quan đến di cư lao động, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi, mua bán nội tạng để phát hiện kịp thời các dấu hiệu mua bán người và báo cáo cho cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, tiếp cận các nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người như: phụ nữ nghèo, thất nghiệp, kết hôn có yếu tố nước ngoài để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, định hướng kịp thời, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm. Ngoài ra, xây dựng, nhân rộng và kết nối các mô hình về phát hiện, tố giác, ngăn chặn tội phạm mua bán người; tiếp nhận, tư vấn, kết nối các cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán người trở về hòa nhập cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, chú ý các nhóm có nguy cơ cao, thất nghiệp, trẻ em cơ nhỡ lang thang…


UBND thành phố cũng chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể chủ động phối hợp thực hiện tốt các nội dung của đề án. UBND các xã, phường chủ động triển khai đề án và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề án đã đề ra.


- Xin cảm ơn ông!


Minh Thiết (Thực hiện)