Sau cơn bão số 12, nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị đánh tan, người nuôi chấp nhận mua gỗ với giá cao để làm lại ô lồng. Điều này đã khiến nhiều đối tượng lên rừng khai thác gỗ trái phép.
Sau cơn bão số 12, nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị đánh tan, người nuôi chấp nhận mua gỗ với giá cao để làm lại ô lồng. Điều này đã khiến nhiều đối tượng lên rừng khai thác gỗ trái phép.
Nhu cầu gỗ tăng vọt
Tối 20-11, tại khu vực Dốc Mỏ (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) vẫn còn người kéo gỗ từ trên rừng xuống. Hỏi chuyện 1 thợ rừng tự xưng là Tư ở xã Vạn Phú, Tư cho biết: Sau bão, do nhà cửa bị gió giật tung nóc, hư hại nặng, hoàn cảnh khó khăn nên phải vào rừng hạ vài cây kéo về dựng lại nhà cửa. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi làm nhà mà sao cắt đúng quy chuẩn của cây làm lồng tôm (loại hộp vuông 10cm, dài 5,2m), Tư chống chế: “Do sau bão khó khăn nên thấy người ta kéo nhau đi rừng cắt cây về bán cho các hộ làm lồng bè nên tôi cũng đi. Một ngày kéo được 2 cây, trót lọt thì được 1,2 - 1,4 triệu đồng, thu nhập rất cao”.
Trong câu chuyện với các thợ rừng, được biết, nắm bắt được nhu cầu làm lại lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân lớn, trong khi những ngày sau bão, lực lượng chức năng, chủ rừng phải phân tán khắp nơi để khắc phục thiệt hại, nhiều người đã đổ về những cánh rừng ở thượng nguồn Dốc Mỏ - Suối Hương để khai thác các loại cây gỗ mềm như: sầm ná, trám, dẽ… Thợ rừng sử dụng xe máy kéo gỗ ra khỏi rừng, người có sức khỏe thì kéo 4 - 5 cây/lần; người lớn tuổi kéo 2 - 3 cây. Mỗi cây sau khi đưa ra khỏi rừng trót lọt sẽ được bán lại với giá khoảng 650.000 đồng tại Vạn Bình, còn đưa về Vạn Thạnh có giá gần 750.000 đồng. “Không riêng gì Dốc Mỏ mà các cánh rừng khác ở Hóc Chim (Vạn Phú), hay khu vực xã Đại Lãnh cũng có người đi kéo gỗ”, một thợ rừng tự xưng là Quang nói.
Tìm hiểu thêm về nhu cầu gỗ làm lồng bè nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đến khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh). Ông Trần Ngọc Hùng - người nuôi tôm hùm tại Đầm Môn cho biết: “Cứ 1 lồng nuôi tôm cần ít nhất 8 cây gỗ dài từ 5m trở lên. Do gỗ rừng trồng như: keo, bạch đàn không phù hợp với việc làm lồng tôm, nên dù giá cây gỗ thợ rừng đưa ra hiện nay rất cao, chúng tôi cũng phải mua để làm lại lồng bè”. Hỏi chuyện ông Hùng, liệu có loại vật liệu nào có thể thay thế gỗ rừng tự nhiên, ông cho biết: Trên địa bàn Vạn Thạnh cũng có lồng nuôi theo công nghệ Na Uy không sử dụng gỗ nhưng chi phí rất lớn, ít nhất 60 triệu đồng/lồng, người dân không đủ kinh phí để làm, nếu làm lồng nuôi bằng gỗ thì chi phí chỉ mất 10 triệu đồng/lồng.
Lực lượng chức năng đuối
Tìm đến Chốt Quản lý - Bảo vệ rừng Dốc Mỏ (Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh), chúng tôi chứng kiến lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm Vạn Ninh đang tập trung đưa các cây gỗ dài về chốt. Ông Nguyễn Đức Cơ - phụ trách Chốt Dốc Mỏ xác nhận: “Số gỗ này thợ rừng bỏ lại ven đường khi tháo chạy. Từ ngày 8-11 đến nay, trên địa bàn rộ lên tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Cao điểm có ngày cả trăm người đi qua rừng Dốc Mỏ, trong số đó, khoảng 1/3 là những người chuyên khai thác lâm sản trái phép, còn lại có thể là những người gặp khó khăn sau bão thấy người đi rừng có thu nhập cao cũng kéo nhau đi làm. Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ rừng tại đây hết sức khó khăn, thợ rừng thì đông, có đối tượng còn thách thức, chống đối. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vốn đã ít, nay còn phân tán khắp nơi, vừa bảo vệ rừng tự nhiên, vừa giữ rừng trồng phòng hộ gãy đổ do bão nên làm không xuể…”.
Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cho biết, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở khu vực Dốc Mỏ - Suối Hương hiện nay đã vượt tầm kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị. Mặc dù ban quản lý rừng đã chủ động bố trí lực lượng truy quét, ngăn chặn người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép qua Dốc Mỏ; đồng thời có sự phối hợp của Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh nhưng vẫn chưa thể hạ nhiệt điểm nóng này. Với số lượng hơn 12.400 lồng nuôi bị bão đánh tan, nếu tái thiết hết số ô lồng này phải cần đến cả nghìn mét khối gỗ.
Ông Thành kiến nghị: “UBND huyện Vạn Ninh cần chỉ đạo các lực lượng chức năng cùng tham gia với ban quản lý rừng ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trên các tuyến: Dốc Mỏ - Suối Hương, Hóc Chim…; các địa phương ở Vạn Ninh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia khai thác lâm sản trái phép. Kiến nghị Chi cục Kiểm lâm bố trí, tăng cường thêm lực lượng phối hợp với chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh để triển khai giữ rừng tự nhiên trên địa bàn”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vạn Ninh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã trên địa bàn tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng đi khai thác rừng trái phép…
BÍCH LA