Triển khai Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền so với giai đoạn trước.
Triển khai Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền so với giai đoạn trước.
Chuyển trọng tâm chính sách
Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết, Khánh Hòa đã triển khai thực hiện hiệu quả và cơ bản hoàn thành các mục tiêu Chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2016. Cụ thể, mức sinh đã giảm tương đối ổn định, đạt mức sinh thay thế. Số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 1,86 con năm 2016. Quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con ngày càng phổ biến. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được kiểm soát. Chương trình xã hội hóa phương tiện tránh thai và các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh, được chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành dần hoàn thiện, phục vụ tốt hơn công tác quản lý, điều hành...
Tuy nhiên, hiện nay, công tác dân số trên địa bàn tỉnh cũng đứng trước nhiều thách thức mới như: chất lượng dân số chưa cao; già hóa dân số nhanh; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh rơi vào nhóm cao (khoảng 111 bé trai/100 bé gái); một số vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết; nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề dân số mới nảy sinh còn hạn chế. Vì vậy, để tuyên truyền công tác dân số thích ứng với tình hình mới, vừa qua, Sở Y tế đã thông qua Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - phát triển, giai đoạn 2017 - 2020. Thực hiện chương trình này sẽ có nhiều thay đổi về cách thức, nội dung truyền thông so với giai đoạn trước, trong đó mục tiêu cần tập trung là truyền thông để chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số - phát triển.
Đổi mới truyền thông
Theo kế hoạch chương trình hành động, thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ đẩy mạnh vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - phát triển, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và phát huy lợi thế, thích ứng với dân số để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Cụ thể, giải quyết đồng bộ các vấn đề về dân số, sức khỏe sinh sản theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số. Đó là tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thông, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức, thực hiện có hiệu quả KHHGĐ nhằm giảm sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương, duy trì mức sinh thay thế bền vững; tăng cường lồng ghép các vấn đề dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
Để thực hiện được điều đó, ngành Dân số tỉnh đã đề ra một số giải pháp thích ứng với giai đoạn mới. Đó là tăng cường sự cam kết ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng và sự tham gia tự nguyện của mỗi người dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, bảo đảm hiệu quả truyền thông, khắc phục những bất cập, hạn chế, cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức truyền thông cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền, chú trọng đến những đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển. Song song đó, thực hiện nâng cao năng lực quản lý và kiến thức kỹ năng truyền thông cho đội ngũ làm công tác truyền thông, đặc biệt ở tuyến cơ sở; đa dạng hóa các loại hình truyền thông - tư vấn; lồng ghép các hoạt động truyền thông về dân số phát triển vào các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở... Có như vậy mới thực hiện truyền thông có hiệu quả, nâng cao nhận thức ,thay đổi hành vi của cả cộng đồng xã hội về chính sách dân số và phát triển, từng bước nâng cao chất lượng dân số.
LƯU KHÁNH