Đến 23 giờ ngày 3-11, tại TP. Nha Trang bắt đầu có mưa lớn, gió giật mạnh dần. Tại xã Phước Đồng, phường Vĩnh Nguyên, phường Vĩnh Phước… công tác vận động, di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm vẫn được thực hiện.
Đến 23 giờ ngày 3-11, tại TP. Nha Trang bắt đầu có mưa lớn, gió giật mạnh dần. Tại xã Phước Đồng, phường Vĩnh Nguyên, phường Vĩnh Phước… công tác vận động, di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm vẫn được thực hiện.
Ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết, đến cuối ngày 3-11 toàn thành phố có gần 1.000 hộ dân được di chuyển tới trụ sở nhà văn hoá thôn, đồn biên phòng, hoặc nhà người thân. Công tác di dời và kiểm tra người dân chấp hành di dời vẫn được các xã, phường nghiêm túc thực hiện. Lực lượng chức năng sẽ túc trực trắng đêm để kịp thời ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết:
"Toàn xã Phước Đồng có nhiều khu dân cư ở những địa điểm không an toàn khi mưa bão đến. Do đó, ngày từ chiều 3-11, UBND xã đã cho di dời gần 100 người dân ở thôn Thành Đạt về Trạm Biên phòng Hòn Rớ. Khoảng 150 người dân thôn Thành Phát cũng được đưa về Nhà văn hóa thôn Thành Phát để ở. Riêng khu vực thôn Phước Lộc, nơi đã từng xảy ra sạt lở núi năm 2016, chính quyền địa phương đã di dời khoảng 20 hộ gia đình ở đây về nơi an toàn".
Tại những nơi ở tập trung, người dân được cung cấp đồ ăn, nước uống, mùng, mền để có thể ở lại qua đêm, đợi bão tan. Tuy nhiên, đến 22 giờ vẫn có một số hộ dân tìm cách trốn về nhà để ngủ do đó cán bộ địa phương liên tục phải giám sát, kiểm tra để người dân ở lại nơi an toàn. Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, trực ở khu vực Hòn Rớ cho hay:
"Khi chúng tôi đi vận động di dời dân, nhiều hộ không chịu đi, đến lúc cưỡng chế họ còn lớn tiếng. Khi đã về nơi ở tập chung, nhiều người vẫn tìm cách trốn về nhưng chúng tôi cương quyết không cho về. Toàn bộ cán bộ xã tối nay sẽ thức trăng đêm để đảm bảo an toàn cho người dân".
Tại Trạm Biên phòng Hòn Rớ, chị Ngô Thị Lâm Vân (xóm Mũi, thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) đang ôm con gái mới tròn 2 tháng tuổi vào lòng. Chị Vân cho biết, khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, cán bộ xã đến vận động nên chị khăn gói, tay bế con gái nhỏ, tay dắt con gái lớn đến trú bão ở đây cho an toàn.
“Ông xã ở nhà trông nhà còn mẹ con nheo nhóc phải đi chứ lỡ có chuyện chạy không kịp”, chị Vân cho hay. Có hơn 30 hộ với hơn 60 nhân khẩu (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) cũng di dời đến Trạm Biên phòng Hòn Rớ như chị Vân.
Tương tự như vậy, đến 22 giờ 30, cán bộ phường Vĩnh Nguyên còn phải đi kiểm tra toàn bộ xóm nhà chồ ở tổ dân phố Tây Hải để vận động các hộ dân về đây ngủ. Theo ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Nguyên, toàn bộ tổ dân phố Tây Hải ở ven biển, rất nhiều nhà tạm bợ nên phường đã di dời khoảng 70 hộ đến nơi an toàn. Song vì các hộ dân chủ yếu ở nhà người quen nên có gia đình tìm cách về lại nhà vì thấy trời ít gió. Trước thực trạng đó, từ 22 giờ đến sáng mai, cách 1 tiếng, cán bộ phường lại đi kiểm tra một lần để đảm bảo không có người dân nào ở nơi thiếu an toàn.
VĂN KỲ - ĐÌNH LÂM