Để ứng phó cơn bão số 12 có thể đổ bộ vào TP. Cam Ranh, ngoài các biện pháp đảm bảo cho người và tài sản cho người dân tại các địa bàn xung yếu, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn TP. Cam Ranh cũng đã huy động lực lượng thường trực gồm nhiều đơn vị khác nhau...
Để ứng phó cơn bão số 12 có thể đổ bộ vào TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), ngoài các biện pháp đảm bảo cho người và tài sản cho người dân tại các địa bàn xung yếu, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn TP. Cam Ranh cũng đã huy động lực lượng thường trực gồm nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có sự tham gia của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn lên đến gần 1.000 người sẵn sàng tham gia ứng phó mưa bão, lũ lụt, giúp đỡ nhân dân.
Cuối giờ chiều 3-11, tại khu vực ven vịnh Cam Ranh, đoạn thuộc phường Cam Nghĩa, gia đình ông Phan Tương Thủy (trú tại tổ dân phố Mỹ Ca) cho biết, gia đình ông đã tiến hành gia cố lại toàn bộ lồng bè nuôi cá mú nhằm đảm bảo không bị sóng đánh trôi mất tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.
Cách đó khoảng 3km, gia đình ông Nguyễn Thành Hải (trú tại phường Cam Phúc Bắc) cũng đã huy động các thành viên trong gia đình đẩy chiếc ghe loại 12CV của gia đình lên bãi cát, đồng thời dùng đến 3 sợi dây thừng cột lại ghe vào một cây trên bờ. “
Chiếc ghe này chẳng khác nào chiếc cần câu cơm của gia đình chúng tôi, vì thế khi nghe tin chính quyền địa phương thông báo cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tôi đã nhanh chóng đưa ghe vào bờ và dùng dây cột lại cho an toàn”, ông Hải cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến 17 giờ 30 ngày 3-11, tại các vùng được coi là xung yếu có nguy cơ bị ngập lụt cao tại Cam Ranh như: phường Cam Nghĩa, Ba Ngòi và 3 xã Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông đã có hơn 4.300 nhân khẩu thuộc 1.204 hộ ở các địa phương nằm trong vùng nguy hiểm, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ảnh hưởng gió mạnh do bão gây ra đã được sơ tán, chuyển đến nơi an toàn. Ngoài ra, các tài sản có giá trị trong nhà dân như tivi, nồi cơm điện, quạt máy, tủ lạnh… cũng đã được người dân đưa đến nơi cao nhất trong nhà hoặc đưa đến gửi tại các nhà dân được xây cất cao, tránh bị ngập lụt gây hư hỏng. Những nhà dân có nguy cơ bị ngập lụt chỉ để lại những người khỏe mạnh để trông coi tài sản. Cùng với đó, các địa phương cũng bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm khi có mưa lũ lớn, ngập lụt; hướng dẫn người dân chồng chắn nhà cửa để đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ.
Còn tại vịnh Cam Ranh, lực lượng chức năng các phường có biển từ sáng 3-11 đã liên tục tổ chức các lực lượng, phương tiện tuyên truyền, vận động người dân có lồng, bè cần gia cố lại cho chắc chắn, đồng thời di chuyển những tài sản có giá trị lên bờ. “Kết hợp với các công tác trên, chúng tôi còn có lực lượng công an, biên phòng liên tục rà soát lại xem những người trông coi lồng bè đã vào đất liền hay chưa và nếu họ chưa vào bờ thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn TP. Cam Ranh cho biết.
Cũng theo ông Lê Minh Hải, đến cuối giờ chiều 3-11, toàn thành phố đã có 1.179 tàu thuyền đã được đưa vào bờ, neo đậu ở vị trí an toàn. Qua vận động liên tục của lực lượng chức năng, người dân đã chủ động gia cố lại toàn bộ 30.916 lồng, 590 bè nuôi thủy sản, tránh trôi mất tài sản ở trên vịnh Cam Ranh.
Để tránh việc nước mưa từ trên núi đổ về Quốc lộ 1 gây ngập lụt nghiêm trọng tại các địa bàn dân cư từ phường Cam Nghĩa đến Cam Phúc Nam như hồi cuối năm 2016, trong ngày 3-11, TP. Cam Ranh đã chủ động liên hệ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 yêu cầu mở các dải phân cách tại các vị trí trọng điểm, không để nước mưa đọng lại gây lụt. Theo ông Lê Minh Hải, công việc di chuyển các dải phân cách sẽ được triển khai xong ngay trong tối 3-11.
Thành Long
-------------
VIDEO: Lực lượng chức năng TP. Cam Ranh tuyên truyền người dân rời lồng bè trên vịnh Cam Ranh