Đây là tinh thần chỉ đạo chung của ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đối với thị xã Ninh Hòa tại cuộc họp ngày 9-11.
Đây là tinh thần chỉ đạo chung của ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đối với thị xã Ninh Hòa tại cuộc họp ngày 9-11.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa, hiện nay, toàn bộ các trường THPT trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã tổ chức giảng dạy trở lại. Riêng các trường THCS, tiểu học, mầm non đến nay vẫn chưa thể tổ chức dạy học do chưa khắc phục xong. Dự kiến đến ngày 13-11 mới có thể tổ chức giảng dạy lại được trong điều kiện phải có điện, nước. Các địa phương cũng đã nỗ lực cắt, hạ cây cối đổ ngã để khôi phục giao thông, đến nay đã cơ bản thông suốt; hiện đang tập trung dọn các trụ điện ngã đổ trên đường. Về thông tin liên lạc, các đơn vị đang khắc phục các tuyến cáp bị đứt, đạt được hơn 40% khối lượng công việc. Liên quan đến công tác y tế, đã tiến hành xử lý hơn 52% trong tổng số 4.491 giếng nước bị ngập; ngành Y tế địa phương đang tích cực triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh sau bão. Hiện nay đã có 12/ 27 xã, phường được cấp nước, dự kiến ngày 10-11 có thêm 7 xã nữa được cấp nước… “Tinh thần chung của thị xã Ninh Hòa trong những ngày qua là khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 12 để người dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết.
Trong cơn bão số 12 vừa qua, thị xã Ninh Hòa có 19 người chết, 61 người bị thương. Về nhà ở có 914 căn bị sập hoàn toàn, 3.331 căn bị hư hỏng nặng. Về sản xuất, có 56.700 con gia cầm, 111 con gia súc bị lũ cuốn trôi, chết; tổng diện tích lúa bị thiệt hại 3.544ha, hoa màu 1.325ha, mía 10.025ha, cây ăn quả 1.772ha, hoa cúc 15.800 chậu, rừng trồng 2.026ha; thủy sản 856ha, 166 bè nuôi thủy hải sản các loại, 240 tàu thuyền bị chìm. Về cơ sở hạ tầng có 3.250km bờ sông bị sạt lở, 2.640km kênh mương bị đứt gãy, 2 mái đập hồ chứa nước Đá Bàn và hồ Tiên Du bị hư hỏng. Ngoài ra, đường bê tông bị bong tróc, sạt lở khoảng 31km. Các thiệt hại về các công trình công cộng đến nay chưa thống kê hết… |
Hiện nay, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết, bị thương nặng; đồng thời bố trí nơi ở tạm cho các hộ có nhà bị sập hoàn toàn, bị hư hỏng nặng… Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sau bão xuất hiện tình trạng người dân thiếu đói. Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây kiến nghị: “Gạo hỗ trợ cứu đói cần khẩn trương đưa về địa phương để đảm bảo không hộ nào bị thiếu đói sau bão”. Theo đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn có 8.096 hộ, với 30.078 nhân khẩu cần được hỗ trợ gạo, mỗi tháng thị xã cần 451 tấn gạo cứu đói.
ÔngTrần Sơn Hải chỉ đạo, các địa phương cần đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả cơn bão tại các trường học, nếu thiếu lực lượng thì liên hệ với các đơn vị vũ trang để ngày 13-11 có thể tổ chức lại việc dạy và học; ngành Điện cố gắng đến ngày 11-11 hoàn thành việc cấp điện cho toàn thị xã, kể cả những vùng khó khăn nhất. Ngày 10-11, tỉnh sẽ huy động thêm 50 chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ra hỗ trợ việc khắc phục hệ thống điện. Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cần kiểm tra lại hệ thống máy móc, thiết bị để khi có điện có thể cấp nước ngay cho người dân sử dụng; đồng thời thu gom cây đổ, rác thải trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong những ngày này, thị xã cũng cần quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, nhất là phòng, chống trộm cắp tài sản của nhân dân. Địa phương cũng cần kêu gọi các nguồn hỗ trợ để người dân khắc phục hậu quả cơn bão; nên xác lập đầu mối tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại sau bão cần được công khai, công bằng, đảm bảo đối tượng ưu tiên. Ông cũng chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ của mình có những hỗ trợ thiết thực cho thị xã Ninh Hòa trong khắc phục hậu quả cơn bão.
BÍCH LA - GIANG ĐÌNH