04:11, 17/11/2017

Tập trung giúp dân vượt qua khó khăn

Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2017), UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã quyết định chuyển các hoạt động kỷ niệm sang giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. 

Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2017), UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã quyết định chuyển các hoạt động kỷ niệm sang giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết:


- Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh đã để lại hậu quả quá nặng nề. Hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng; hơn 10.000ha diện tích lúa và hoa màu các loại bị ngập, hư hại; hơn 20.000 lồng bè, nhiều tàu thuyền bị chìm; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan và nhiều cơ sở sản xuất… bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại do bão gây ra hơn chục ngàn tỷ đồng, dẫn đến hàng ngàn gia đình hiện nay đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

 

Đồng chí Trần Ngọc Thanh trao hỗ trợ cho người dân huyện Khánh Vĩnh  bị thiệt hại do cơn bão số 12

Ông Trần Ngọc Thanh trao hỗ trợ cho người dân huyện Khánh Vĩnh bị thiệt hại do cơn bão số 12


Trước những khó khăn đó, Mặt trận tỉnh đã quyết định chuyển các hoạt động lễ hội trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sang các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Mặt trận đã kịp thời đến thăm, chia buồn, động viên và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết do bão 5 triệu đồng và 3 triệu đồng đối với trường hợp bị thương nặng. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng dành hơn 350 suất hỗ trợ trị giá 1 triệu đồng/suất để trực tiếp trao cho những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng nặng do bão lụt. Đồng thời, nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cơ sở thực hiện các hoạt động cứu trợ, trợ giúp người dân; vận động người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khó khăn trong lúc hoạn nạn. Các hoạt động thăm hỏi, động viên các già làng, trưởng bản, người có uy tín, các chức sắc, chức việc vẫn được duy trì.  


- Thư kêu gọi ủng hộ của Mặt trận tỉnh đã được rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng. Vậy, ông đánh giá như thế nào về tình cảm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai?


- Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, căn cứ vào tình hình thực tế, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã có thư kêu gọi gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh bạn đã trực tiếp vào thăm, chia sẻ và hỗ trợ  cho nhân dân trong tỉnh. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tự nguyện quyên góp hỗ trợ với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách để hỗ trợ đồng bào trong tỉnh khắc phục hậu quả. Tình cảm, trách nhiệm đối với nhân dân vùng thiệt hại đã lan tỏa sâu rộng, thôi thúc những tấm lòng thiện nguyện đến từng hộ có người chết, bị sập nhà… để san sẻ đau thương, mất mát. Có nhiều tổ chức, cá nhân đã âm thầm, lặng lẽ trực tiếp đến tận vùng bị thiệt hại nặng để chia sẻ, trao tặng những phần quà ý nghĩa để phần nào giúp người dân cảm thấy ấm lòng hơn. Những tấm lòng, tình cảm đó thật đáng trân trọng.

 

Dân quân xã Liên Sang giúp dân sửa nhà

Dân quân xã Liên Sang giúp dân sửa nhà


Tôi đánh giá rất cao tinh thần đoàn kết của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và nhân dân trong việc chủ động khắc phục hậu quả thiên tai. Trong mưa bão, với truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau, có nhiều tấm gương quên mình cứu giúp người trong lúc nguy nan; nhân dân vùng lũ đã chia sẻ thức ăn, nước uống để vượt qua khó khăn trong lúc bị chia cắt, cô lập. Đặc biệt, lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm bám địa bàn khu dân cư, thôn, xóm để cứu người, giúp dân sửa nhà, sửa chữa đường giao thông; lực lượng công an điều tiết giao thông, bảo đảm an ninh trật tự… Bên cạnh đó, lực lượng các đoàn thể chính trị kịp thời cứu trợ khẩn cấp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho những hộ buộc phải di dời đến nơi ở tập trung, an toàn. Đồng thời, hướng dẫn, kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến đúng đối tượng cần giúp đỡ.


Ngoài ra, các cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin sâu đậm về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời, có những cảnh báo, định hướng đúng những vấn đề dư luận quan tâm; phản ánh tốt công tác giúp đỡ, khắc phục hậu quả của các cấp, ngành, địa phương.


- Từ nguồn kinh phí kêu gọi, tiếp nhận hỗ trợ, Mặt trận tỉnh sẽ thực hiện phân bổ như thế nào, thưa ông?


- Từ ngày 5-11 đến nay, Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận hơn 37 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân. Để nguồn hỗ trợ này đến đúng đối tượng, Mặt trận các cấp đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thống kê, lập danh sách những hộ bị thiệt hại do bão. Đồng thời, bình xét, niêm yết công khai danh sách những hộ bị thiệt hại ở khu dân cư, thôn, xóm để người dân giám sát. Trên cơ sở đó, Mặt trận tỉnh sẽ nhanh chóng chuyển nguồn hỗ trợ này cho người dân xây, sửa chữa lại nhà ở, khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi, góp phần giúp đồng bào trong tỉnh có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên sớm ổn định cuộc sống.


- Trong thời gian tới, Mặt trận và các đoàn thể sẽ tiếp tục tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?


- Bên cạnh công tác vận động, Mặt trận và các đoàn thể sẽ tiếp tục huy động các lực lượng cùng với các ngành chức năng, địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12, nhất là tập trung sửa chữa nhà ở, các công trình công cộng, tham gia tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… Mặt trận các cấp bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận động, giúp đỡ kịp thời, đảm bảo an sinh cho nhân dân. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện thống kê, rà soát danh sách, đánh giá mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho nhân dân. Đồng thời, tăng cường giám sát, công khai việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn cứu trợ đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, khiếu kiện.


Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp và các đoàn thể sẽ phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai sâu rộng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”… Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, nhân dân trong và ngoài tỉnh, hậu quả thiên tai sẽ nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân sớm ổn định.


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)