Cơn bão số 12 quần thảo khắp địa bàn thị xã Ninh Hòa từ khoảng 4 đến 8 giờ 30 ngày 4-11 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Thống kê sơ bộ đến 14 giờ cùng ngày, trên địa bàn thị xã có 5 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương vì bão.
Cơn bão số 12 quần thảo khắp địa bàn thị xã Ninh Hòa từ khoảng 4 đến 8 giờ 30 ngày 4-11 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Thống kê sơ bộ đến 14 giờ cùng ngày, trên địa bàn thị xã có 5 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương vì bão. Địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả của bão; chủ động đối phó với mưa lũ sau bão.
Hậu quả nặng nề
Theo ghi nhận của phóng viên
Khánh Hòa Online, tại các địa phương ven biển của thị xã Ninh Hòa: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Phước, Ninh Vân… diễn biến của bão khi đổ bộ vào đất liền như sau: Từ khoảng 1 giờ sáng 4-11 gió bão đã bắt đầu mạnh lên, nhiều nơi như Ninh Vân, Ninh Phước ghi nhận từng đợt sóng cao đến 2-3m. Đến khoảng 2 giờ sáng, bão tiến rất sát vào đất liền. Đến 4 giờ sáng, bão bắt đầu đổ bộ; gió rít liên tục, các mái tôn rung lên bần bật. Ban đầu có một số người dân còn tìm cách chằng néo thêm mái nhà nhưng càng về sau, gió giật một lúc mỗi mạnh hơn, không ái dám ra ngoài mà phải đóng chặt cửa, ở trong nhà. Chỉ sau khoảng 30 phút đổ bộ, cường độ của bão rất mạnh, cây bật gốc, trụ điện gãy, nhiều mái nhà bắt đầu tốc mái. Đến 6 giờ 20 cường độ bão giảm. Khoảng 6 giờ 45, sau một thời gian ngắn giảm cường độ, gió bão mạnh lại nỗi lên lần thứ 2; phải đến khoảng 8 giờ 30 tâm bão mới đi qua khỏi địa phận các xã ven biển Ninh Hòa.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương ở thị xã Ninh Hòa, chưa bao giờ, người dân phải hứng chịu 1 cơn bão khủng khiếp đến thế. Cơn bão này có cường độ mạnh hơn nhiều so với cơn bão từng quét qua Ninh Hòa – Vạn Ninh vào năm 1993. Ông Lê Minh An – Bí thư Đảng ủy phường nói:
“Gió bão mạnh quá, trong đời tôi chưa bão giờ chứng kiến cơn bão khủng khiếp đến thế. Cũng may là mấy ngày qua, địa phương đã tích cực di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đưa tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, chằng chéo lại nhà cửa… nếu không thì hậu quả sẽ rất khó lường”.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn đường từ phường Ninh Hải đến phường Ninh Diêm chỉ mất chừng 2-3km nhưng cây cối, hệ thống điện gãy đổ rất nhiều. Đoạn qua khu vực Bình Tây (phường Ninh Hải), Phú Thọ (phường Ninh Diêm), hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, các mái tôn nằm ngỗn ngang khắp nơi.
Sau khi cường độ bão giảm, nhiều người dân địa phương bắt đầu khắc phục dần hậu quả của bão. Lực lượng PCTT-TKCN cơ sở lại tỏa đi khắp các tổ dân phố để nắm bắt tình hình của các hộ sau khi bão đổ bộ. Không riêng gì Ninh Hải, Ninh Diêm, khắp các địa phương khác như: Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Đa, Ninh Hiệp, Ninh Phụng... đi đến đâu chúng tôi cũng ghi nhận được hình ảnh hoang tàn sau khi bão đi qua.
Dễ thấy nhất là hầu hết các ngôi nhà ở các địa phương này đều bị tốc mái. Cây cối bị gãy đổ, bật gốc nằm ngổn ngàng khắp vườn, trên đường; nghiêm trọng nữa là cơ sở hạ tầng ngành điện, ngành viễn thông trụ thì bị gãy, dây bị đứt, nhiều trạm biến áp, trạm thu phát sóng bị gãy đổ…
Trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Ninh Hòa nhiều điểm bị tắc nghẽn cục bộ do dây điện sà xuống, trụ điện, cây xanh gãy chắn ngang đường, khiến việc lưu thông hết sức khó khăn, tê liệt nhiều đoạn… Nhìn cảnh tượng này, lại nhớ đến những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cơn bão này khi đổ bộ vào đất liền Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận quả thực không sai.
Theo báo cáo nhanh của UBND phường Ninh Hải, cơn bão số 12 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề nối với địa phương, đến 12 giờ ngày 4-11, trên địa bàn có 1 người chết, 1 người bị thương; khoảng 80-90% nhà ở của người dân bị tốc mái; một số căn nhà đổ sập; rất nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại phường Ninh Diêm, Ninh Thủy, tuy không ghi nhận thiệt hại về người nhưng hậu quả cơn bão để lại cũng rất lớn, nhiều nhà bị sập, số nhà bị tốc mái lên đến hơn 90%. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ninh Hòa, đến 14 giờ ngày 4-11, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 5 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương do bão. Hơn 90% số nhà ở của người dân trên địa bàn bị tốc mái hoàn toàn, tốc mái một phần; hơn 200 tàu thuyền của ngư dân xã Ninh Ích bị chìm. Các thiệt hại trước mắt về cơ sở hầng như điện, đường, hệ thống viễn thông... hay thiệt hại về chăn nuôi, trồng trọt là hết sức nghiêm trọng nhưng chưa thể kiểm đếm cụ thể được.
“Cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề đối với thị xã Ninh Hòa về cả người lẫn tài sản của nhân dân. Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là sau bão, dự báo sẽ có một đợt mưa rất lớn, khả năng ngập lụt nặng nề. Bão mạnh rồi đến lũ lớn sẽ là thảm họa kép đối với địa phương”, ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ninh Hòa bộc bạch.
Khẩn trương khắc phục hậu quả, ứng phó với mưa lũ
Trước hậu quả nặng nề mà bão số 12 gây ra, ngay trong sáng 4-11, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành thị sát, kiểm tra tình hình thiệt hại; đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng do bão. Sau khi đi kiểm tra tại thực địa, ông Trần Sơn Hải đã chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa, chính quyền cấp các xã, phường, thị trấn và người dân phải bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả của cơn bão; đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho việc ứng phó với mưa lụt được dự báo sẽ rất lớn sau bão.
Ông Trần Sơn Hải lưu ý: “Thị xã Ninh Hòa phải tập trung mọi biện pháp để sớm ổn định đời sống của nhân dân sau bão, muốn vậy, nhất thiết phải hoàn tất sớm việc lợp lại mái nhà ở cho người dân, bởi dự báo từ tối và đêm nay sẽ có mưa rất lớn; đồng thời cắt cử lực lượng để dọn dẹp trên các tuyến đường giao thông để khôi phục việc đi lại cho người dân; chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm để đảm bảo không để hộ nào bị thiếu đói do ảnh hưởng của bão lũ; lưu ý việc khắc phục hậu quả tại các trường học để tránh việc học của học sinh bị gián đoạn dài. Đối với công tác ứng phó với mưa lũ sau bão, ông đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; việc quản lý, vận hành hồ chứa phải đảm bảo an toàn cho công trình nhưng không gây thêm ngập lụt nặng cho vùng hạ du…”.
Cũng theo ông Trần Sơn Hải, trước mắt người dân và chính quyền địa phương phải nỗ lực để khắc phục hậu quả của bão, sớm ổn định và thống kê tình hình thiệt hại… UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ cho địa phương.
Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết:
“Ngay sau khi bão đi qua, thị xã Ninh Hòa đã tiến hành đến các địa phương để kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, những vấn đề trọng tâm trước mắt là khôi phục giao thông, hỗ trợ người dân trong việc sữa chữa nhà ở; đảm bảo lượng thực, thực phẩm… Để đời sống của người dân sớm ổn định, kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến đối với các ngành, nhất là ngành điện, viễn thông sớm khôi phục các hệ thống điện, thông tin liên lạc…”
Theo ghi nhận của phóng viên
Khánh Hòa Online, ngay sau khi bão giảm cường độ, các lực lượng của thị xã Ninh Hòa, các địa phương trên địa bàn cũng như người dân đã tích cực bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả của bão. Lực lượng dân quân và người dân các địa phương đã cắt dọn các cành cây, chướng ngại vật trên đường. Nhiều gia đình đã tranh thủ bắt tay ngay vào việc lợp lại mái nhà, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng…
Đến 13 giờ, lực lượng chức năng của thị xã Ninh Hòa đã tiến hành điều tiết giao thông, thu dọn các chướng ngại trên tuyến Quốc lộ 1A, giao thông trên tuyến tuy còn một số khó khăn nhưng không còn ùn tắc; nhiều gia đình cũng đã hoàn tất việc lợp lại mái nhà, dọn dẹp nhà cửa…
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với lũ lớn trong thời gian ngắn sắp tới, hiện các hồ chứa trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đang tiến hành điều tiết mực nước trong hồ, nhằm hạn chế tối đa lũ lụt cho vùng hạ du; tại thời điểm 13 giờ ngày 4-11, hồ Đá Bàn đang tiến hành xả lũ với lưu lượng 124m3/s, hồ Ea KrongRou xả điều tiết với lưu lượng 150m3/s…
BÍCH LA – PHÚC HIẾU