Sau bão số 12, ngành đường sắt bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên để khắc phục triệt để cần có thời gian nhất định. Trong 2 ngày 15 và 16-11, trực tiếp kiểm tra, thị sát tại khu vực đèo Cả, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu ngành đường sắt nhanh chóng tổ chức khắc phục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác chạy tàu.
Sau bão số 12, ngành đường sắt bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên để khắc phục triệt để cần có thời gian nhất định. Trong 2 ngày 15 và 16-11, trực tiếp kiểm tra, thị sát tại khu vực đèo Cả, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu ngành đường sắt nhanh chóng tổ chức khắc phục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác chạy tàu.
Thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh, bão số 12 đổ bộ vào một số tỉnh miền Trung trong đó có Phú Yên và Khánh Hòa đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, đường sắt đã bị sạt trượt, xói lở 15 vị trí với hơn 7.800m3 đất đá. Không chỉ vậy hơn 10.100 cây đổ vào đường sắt; 19/22 nhà ga bị tốc mái, hư hỏng trần, sập tường và hệ thống chiếu sáng phục vụ chạy tàu.
Ông Nguyễn Như Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, tổng kinh phí thiệt hại vào khoảng gần 120 tỷ đồng, trong đó hư hỏng kết cấu đường và thông tin tín hiệu là nặng nề nhất, lần lượt khoảng 68,5 tỷ đồng và hơn 42,6 tỷ đồng. “Ngay sau khi bão tan, công ty đã huy động gần 1.000 công nhân, người lao động và toàn bộ phương tiện như: máy đào, ô tô vào cuộc khắc phục hậu quả. Riêng về phần đá hộc, chúng tôi đã đưa khoảng 7.200m3 cùng các loại đá khác để khắc phục sạt trượt. Đến ngày 5-11, các khu gian đã được dọn dẹp, khắc phục tạm thời. Tuy nhiên điểm nặng nhất bị sạt lở tại đèo Cả phải sau 10 ngày mới có thể đưa hoàn thành sửa chữa giai đoạn 1 để thông tàu”, ông Bình nói.
Theo ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn, bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng về thông tin tín hiệu, ảnh hưởng đến công tác chạy tàu. Cụ thể, bão đã làm 830 biển báo bị gẫy đổ, hơn 1.170 cột thông tin bị gẫy đổ khiến hệ thống thông tin liên lạc đường sắt bị tê liệt; 32 nhà gác chắn đường ngang, gác cầu, gác hầm, gác ghi bị tốc mái; 17 nhà cung đội bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Hiện nay, công ty đang tổ chức triển khai sửa chữa các nhà ga, nhà gác chắn đường ngang để phục vụ chạy tàu. Các đơn vị tín hiệu cũng từng bước khắc phục sửa chữa các hư hỏng để bảo đảm thông tin liên lạc, an toàn giao thông. Đến thời điểm này trên tuyến còn 8 điểm chạy chậm với vận tốc từ 5km/h đến 30km/h.
Cần khoảng 120 tỷ khắc phục
Lãnh đạo Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan cho phép đơn vị ứng trước 70% kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ năm 2017; nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng các công trình kiên cố nhằm hạn chế bớt thiệt hại trong trường hợp có bão lũ xảy ra, đặc biệt là các điểm taluy đường sắt dọc tuyến.
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần đường sắt Việt Nam cho biết, bão số 12 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chạy tàu, phục vụ khách hàng và đảm bảo an toàn. Sau bão bộc lộ rất rõ kết cấu đường sắt đã quá già nua; nhiều điểm sóc, lắc mạnh. Hiện nay quan trọng nhất là phải đưa tốc độ tàu về trạng thái ban đầu, thay vì 5km/h. Ông Tùng đề xuất Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ nguồn vốn khắc phục bão lũ của Trung ương. Đồng thời tổng công ty cũng xin bộ cho chủ trương sửa chữa các nhà gác chắn bảo đảm nơi ở cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông biểu dương toàn ngành đường sắt sau bão đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả. Ngành tiếp tục nỗ lực sớm đưa công tác chạy tàu về trạng thái bình thường. Đối với các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt trượt cần có lộ trình cụ thể, thứ tự ưu tiên để đầu tư kiên cố. Đồng thời, khẩn trương khắc phục về thông tin tín hiệu bước 1 đảm bảo chạy tàu. Về vốn, sẽ ưu tiên đối với việc khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý, để kịp thời ứng phó với các sự cố thiên tai, sau cơn bão này, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cần kiện toàn đầu mối chỉ đạo, có tính thường xuyên liên tục, chủ động, không để bị động bất ngờ. Đồng thời cũng cần chủ động hơn trong huy động lực lượng, đặc biệt là lực lượng tại chỗ.
Liên quan đến bước 2 của công tác khắc phục sụt trượt tại Km 1226+780 – Km1226+825, tư vấn thiết kế đề xuất, xây tường chắn chiều dài khoảng 50m, khoan cấy thép giữ chân tường rọ đá. Đồng thời phun vữa giữ rọ đá tránh o-xi hóa, bảo đảm kết cấu. Về vấn đề này, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương khoan điều tra địa chất; nghiên cứu cắt nước chảy từ núi xuống, tránh trượt, muốn như vậy phải làm cống ngang với khẩu độ lớn. Cùng với đó, cần làm rọ đá có vỏ bọc bên ngoài để bảo đảm không bị hư hỏng do thời tiết. Đối với việc tổ chức thi công, giữ nguyên các thanh chống như bước 1, đổ bê tông thành khối giữ chân chống trượt.
THÀNH NAM