Nằm trong vùng tâm bão số 12, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Đồn Biên phòng Vạn Hưng và Đồn Biên phòng Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trước, trong và sau bão. Từ khi bão tan đến nay, những người lính nơi đây chưa ai về thăm nhà.
Nằm trong vùng tâm bão số 12, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Đồn Biên phòng Vạn Hưng và Đồn Biên phòng Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trước, trong và sau bão. Từ khi bão tan đến nay, những người lính nơi đây chưa ai về thăm nhà. Họ vẫn đang dồn sức tìm kiếm cứu nạn trên biển và giúp dân khắc phục thiệt hại trên đất liền.
Một tuần sau khi cơn bão số 12 quét qua, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn chưa hết bàng hoàng. Tuy chịu thiệt hại rất lớn về tài sản, nhưng nhiều người vẫn thấy mình may mắn vì được an toàn qua cơn bão. Ông Nguyễn Văn Hiên (thôn Hà Già, xã Vạn Hưng) kể lại: “Chiều 3-11, tôi đang ở trên bè nuôi cá bớp thì thấy các lực lượng chức năng ra vận động di dời người dân vào bờ. Tôi vì muốn ở lại để bảo vệ bè cá, hơn nữa cũng chủ quan nghĩ rằng bão sẽ không đổ bộ vào nên đã ráng ở lại trên bè. Đêm hôm đó, ca nô của Đồn Biên phòng Vạn Hưng quay trở lại, các anh bộ đội biên phòng buộc tôi phải lên cano để chở vào bờ. Sau cơn bão, biết có nhiều người chết ngoài biển, tôi mới cảm thấy mình rất may mắn và biết ơn những người lính biên phòng vì họ đã giúp tôi thoát chết trong cơn bão”.
Khi có dự báo cơn bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ, trong đó Vạn Ninh nằm trong khu vực tâm bão, từ ngày 1-11, Đồn Biên phòng Vạn Hưng và Đồn Biên phòng Đầm Môn đã tổ chức điều chỉnh, bổ sung lực lượng, phương tiện sát với diễn biến tình hình cơn bão và phân công cụ thể từng công việc cho các đồng chí trong Ban chỉ huy và CB-CS. Ngay sau đó, các đơn vị triển khai vận động quần chúng, kết hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn dùng tàu, ca nô của đơn vị đi tuyên truyền, vận động nhân dân trên các bè nuôi trồng thủy sản và các đảo gần bờ vào trú bão. Phân công cán bộ xuống các địa phương ứng trực khi bão đổ bộ. Trong cơn bão, 2 đơn vị và các trạm biên phòng trực thuộc đã tiếp nhận hàng trăm người dân trên địa bàn bị sập nhà đến tránh trú bão an toàn và sắp xếp nơi ăn ở cho họ chu đáo, đầy đủ.
Sau khi bão tan, các CB-CS Đồn Biên phòng Vạn Hưng và Đồn Biên phòng Đầm Môn triển khai ngay lực lượng, phương tiện của đơn vị và trưng dụng thêm một số tàu cá của ngư dân tuần tra tìm kiếm cứu nạn trên biển, đồng thời tổ chức giúp dân khắc phục thiệt hại trên đất liền như dọn dẹp, sửa chữa trường học, trạm xá, nhà dân. Sáng 10-11, tại Trường Tiểu học Vạn Hưng 3 (xã Vạn Hưng), Thượng tá Phan Ngọc Bình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vạn Hưng cùng 10 chiến sĩ của đơn vị và các cán bộ học viên Trường Sĩ quan Thông tin vẫn tiếp tục công việc giúp trường dọn dẹp, tu sửa các phòng học. “Từ sáng 4-11 đến nay, chúng tôi huy động toàn bộ quân số, phương tiện phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được 304 người; khám và cứu thương cho 56 người; sửa chữa 210 nhà dân, 74 phòng học trên địa bàn. Tuy gia đình nhiều CB-CS trong đơn vị cũng bị thiệt hại do bão, nhưng từ đó đến nay các anh vẫn chưa về thăm nhà mà tập trung bám cơ sở để giúp dân khắc phục thiệt hại”, Thượng tá Bình nói. Được biết, ngoài lực lượng trên đất liền, những ngày này, Thượng tá Hoàng Minh Tuấn – Chính trị viên Đồn Biên phòng Vạn Hưng cùng 10 chiến sĩ đã sử dụng 2 phương tiện quần thảo ngày đêm trên vùng biển khu vực Bãi Tre (xã Vạn Thạnh) để tìm kiếm 1 người còn mất tích, bảo vệ lồng bè, dụng cụ của ngư dân trước tình trạng các đối tượng ở địa bàn khác đến “hôi của”.
Đến Đồn Biên phòng Đầm Môn, chúng tôi chứng kiến khung cảnh tan tác nơi đây. Toàn bộ mái tôn trên các dãy nhà của đồn đều bị gió bão cuốn bay hết, nhiều thiết bị, máy móc, phương tiện liên lạc bị hư hỏng. Mặc dù vậy, trong đơn vị chỉ có vài CB-CS ở lại trực, còn lại đều đang tập trung vào công việc tìm kiếm cứu nạn trên biển và giúp dân khắc phục hậu quả của bão trên đất liền. Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đầm Môn cho biết, sáng 4-11, đồn đã tiếp nhận hơn 100 người dân vào tránh, trú bão. Khi nhận được tin báo của nhân dân, ngay trong lúc gió bão đang hoành hành, đồn vẫn cử CB-CS trực tiếp đến nhà dân đưa 2 người già và 4 trẻ nhỏ vào đơn vị trú bão an toàn. Đội công tác Đại Lãnh tiếp nhận khoảng 170 người dân vào tránh trú bão. Đến chiều 4-11, sau khi bão tan, đơn vị chủ động trưng dụng tàu của dân làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn 36 lượt tại các khu vực Sủng Ké, Hòn Săng, Bãi Cây Xoài... Kết quả đã cứu được 52 người dân bị mắc kẹt trên các đảo đưa về bờ an toàn. Tính đến ngày 10-11, đơn vị đã cử 160 lượt CB-CS lợp lại mái nhà cho 25 hộ dân, 8 phòng học, đưa 7 người bị thương đi cấp cứu, tìm kiếm, trục vớt 12 thi thể, trong đó có 10 thi thể đã có thân nhân nhận diện. “Một vấn đề phát sinh trong những ngày sau bão chính là việc xuất hiện các đối tượng trộm cắp, “hôi của” của người dân. Chính vì thế, cùng với nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão, CB-CS của đồn còn phải tăng cường tuần tra trên biển nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho người dân”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm.
Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 12 của hai đồn biên phòng Vạn Hưng và Đầm Môn, Đại tá Lê Thanh Hùng – Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Hai đồn biên phòng Vạn Hưng và Đầm Môn nằm ngay trong vùng tâm bão số 12, nhưng đã có sự chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của bão. Lãnh đạo các đơn vị đã tham mưu kịp thời cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và trực tiếp xuống địa bàn tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Ngay sau khi bão tan, hai đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Ưu tiên hàng đầu của các đồn là tập trung tham gia công tác hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đóng quân”.
Nhân Tâm - Thế Anh