06:11, 03/11/2017

Biển lặng gió dân càng lo lắng

Theo kinh nghiệm của ngư dân, trước con bão, nếu biển càng lặng gió thì mức độ nguy hiểm của cơn bão càng cao. Do đó, đến 17 giờ chiều nay (3-11), hầu như tất tàu ghe tàu ở TP. Nha Trang đã đến nơi an toàn để neo đậu.
 

Theo kinh nghiệm của ngư dân, trước con bão, nếu biển càng lặng gió thì mức độ nguy hiểm của cơn bão càng cao. Do đó, đến 17 giờ chiều nay (3-11), hầu như tất tàu ghe tàu ở TP. Nha Trang đã đến nơi an toàn để neo đậu.
 
Chiều 3-11, ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã đi kiểm tra và yêu cầu ngư dân và ghe tàu ở các địa phương ven biển của thành phố di dời đến nơi an toàn. Tại khu vực Vũng Ngán, Trí Nguyên, Hòn Một (thuộc phường Vĩnh Nguyên), đặc biệt là khu vực nuôi trồng, hầu hết người dân đều đã di chuyển vào nơi an toàn để tránh trú bảo.
 
Đến 15 giờ cùng ngày, chỉ còn một số ít ngư dân còn ở lại trên bè nuôi nuôi trồng để gia cố lại lồng bè trước khi bão vào. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu, các ngư dân đã chấp hành di dời vào bờ. Một số ít ngư dân ở gần đảo Vũng Ngán cũng cam két sẽ lên đảo trước khi trời tối. Ông Lê Huy Toàn cho biết: "Đã qua nhiều năm di dời dân tránh bão nhưng chưa năm nào người dân chấp hành nghiêm túc như năm nay. Mặc dù trước bão biển khá lặng gió nhưng người dân rất lo lắng. Theo kinh nghiệm của các ngư dân, thường trước cơn bão, biển càng lặng gió thì mức độ nguy hiểm của cơn bão càng cao. Chính vì vậy khi được thông báo người dân đã nhanh chóng đưa tàu thuyền đi trú ẩn, không để cơ quan chức năng phải nhắc nhở nhiều lần như các năm trước".
 

 

Đa phần ngư dân nuôi trồng hải sản đã về bờ.
Đa phần ngư dân nuôi trồng hải sản đã về bờ.
 
Ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết thêm: "Ngay từ sáng 3-11, UBND phường đã đi vận động tất cả người dân trên các đảo và bè nuôi di dời đến nơi an toàn nhất. Tại khu vực Hòn Một và Vũng Ngán có khoảng 70 bè nuôi với trên 200 ngư dân, nhưng khi được vận động đa phần người dân đều chấp hành di dời vào bờ và lên đảo. Những bè còn lại phải gia cố, đến trước 16 giờ chúng tôi sẽ yêu cầu ngư dân lên bờ, không để bất cứ ai ở lại dưới bè khi bão vào. Đối với ghe tàu, hiện người dân đã di chuyển về trú ẩn ở cảng Hòn Rớ. Cả phường Vĩnh Nguyên có 527 ghe tàu, đến đầu giờ chiều này đã hoàn thành việc di dời".
 
Tại khu vục Cảng Cầu Đá, dọc 2 bờ kè sông Cái (thuộc các phường Xương Huân, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ) và ở khu vực núi Hòn Một (phường Vĩnh Hòa) gần như tất các ghe tàu cũng đã không neo còn neo đậu. Dọc các bãi tắm, lực lượng chức năng đã cám bảng cấm xuống nước. Mặc dù có một vài khách du lịch vẫn lội nước, song ngay lập tức Phó Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu lực lượng chức năng đề nghị du khách lên bờ.  

 

Ngư dân tranh thủ gia cố lại lồng bè để lên bờ trước 17 giờ ngày 3-11.
Ngư dân tranh thủ gia cố lại lồng bè để lên bờ trước 17 giờ ngày 3-11.
 
 
Theo dự báo của UBND TP. Nha Trang, hiện nay bão số 12 kết hợp không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, mưa lớn trên diện rộng, sông Cái Nha Trang đang lên báo động 2 … gây tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống sinh hoạt toàn thành phố, có khả năng gây tốc mái, sập nhà một số khu dân cư. Sẽ có mưa to từ 100 đến 200mm kéo dài 2 – 3 ngày. Bão kết hợp mưa to gió lớn có thể gây ngập lụt các khu vực xung yếu là các xã, các phường ven sông Cái và tuyến thoát lũ của thành phố. Đồng thời, bão cộng với mưa to gây sạt lở núi ở các xã Phước Đồng, Vĩnh Phương, phường Vĩnh Hòa; sạt lở bờ biển khu vực xã Vĩnh Lương và các phường Vĩnh Hòa, Xương Huân, Lộc Thọ; sạt lở ven sông Cái từ thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung đến thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc. Các cây cổ thụ, tấm panô, quảng cáo và các giàn giáo thi công công trình trong nội thành dễ bị đỗ ngã khi có mưa to gió lớn...

 

Cano của các lồng bè đưa ngư dân về đất liền.
Cano của các lồng bè đưa ngư dân về đất liền.

 

 Ghe tàu 2 bên kè sông Cái đã di chuyển về cảng Hòn Rớ.
Ghe tàu 2 bên kè sông Cái đã di chuyển về cảng Hòn Rớ.

 

Do đó UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương tập trung công tác tuyên truyền cảnh báo đến mọi người dân các vùng sâu, vùng xa; công tác di dời dân, công tác dự trữ lương thực, thực phẩm không để bất kỳ người nào, nhà nào bị đói, bị rét.
 
Ban quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang và các đơn vị liên quan tiến hành ngay việc cắm các biển báo cấm tắm biển tại các khu vực nguy hiểm, tổ chức lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp sẵn sàng ứng cứu người dân và du khách. Tăng cường việc quản lý, cảnh báo không để người dân và du khách xuống tắm tại các vùng nguy hiểm. Đồng thời, thông báo, yêu cầu cho các chủ tàu du lịch chủ động gia cố lại phương tiện, thực hiện sơ tán về nơi an toàn, dừng mọi hoạt động vận chuyển du lịch trên vịnh từ 17 giờ ngày 3-11 cho đến khi có thông báo cho phép hoạt động lại bình thường.
 
Các Đồn Biên phòng trên địa bàn thành phố phối hợp với UBND các xã, phường ven biển, Chi cục Thủy sản tìm mọi biện pháp thông báo cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết diễn biến, vị trí của bão 12 trong các bản tin tiếp theo để chủ động phòng, tránh an toàn; đảm bảo duy trì thông tin, liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên trên mỗi tàu. UBND thành phố nghiêm cấm các tàu thuyền đánh bắt thủy sản và các phương tiện đường thủy khác không được xuất bến từ 17 giờ ngày 3-11; cùng thời điểm này, các tàu du lịch và Cáp treo Vinpearl Land cũng ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo cho hoạt động trở lại.
 
Đình Lâm - Văn Kỳ
 
------------------
 
VIDEO: Biển Nha Trang trước thời điểm bão số 12 đổ bộ