04:10, 20/10/2017

Những tấm gương tiêu biểu

Chị Cao Thị An (sinh năm 1986 ở xã Ba Cụm Bắc) là nữ trưởng thôn đầu tiên của huyện Khánh Sơn. Những năm qua, chị An luôn năng nổ, nhiệt tình với việc thôn, việc xã, được bà con yêu mến, tin cậy.

 

Nữ trưởng thôn đầu tiên của huyện Khánh Sơn


Chị Cao Thị An (sinh năm 1986 ở xã Ba Cụm Bắc) là nữ trưởng thôn đầu tiên của huyện Khánh Sơn. Những năm qua, chị An luôn năng nổ, nhiệt tình với việc thôn, việc xã, được bà con yêu mến, tin cậy.

 

Dốc Trầu là thôn có địa bàn rộng, số hộ nhiều nhất trong 4 thôn của xã Ba Cụm Bắc (372 hộ), điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2011, chị An được người dân tín nhiệm bầu giữ chức thôn phó, năm 2013 làm thôn trưởng. Chị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; không cho thuê hay sang nhượng đất trái phép, tận dụng lợi thế đất đai để phát triển kinh tế gia đình; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất... Nhờ đó, cuộc sống của người dân trong thôn từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Riêng năm 2016, cả thôn có 51 hộ thoát nghèo.

 

Trưởng thôn Cao Thị An (bên trái) hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng

Trưởng thôn Cao Thị An (bên trái) hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng

 

Ông Trương Văn Vỹ - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết, từ năm 2016 đến nay, chị Cao Thị An đã vận động hơn 50 hộ gia đình trong thôn tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất ở, đất sản xuất để làm 3 tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất, với tổng chiều dài hơn 3km và hệ thống đường lâm sinh trên địa bàn. Hiện nay, thôn Dốc Trầu là một trong những điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường trên địa bàn huyện. Hưởng ứng phong trào Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thời gian qua, Trưởng thôn Cao Thị An đã phối hợp vận động người dân giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, dần loại bỏ các hủ tục mê tín, dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Chị còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình động viên con em đến trường, tích cực phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường,… Nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể, diện mạo của thôn ngày càng khang trang, cả thôn có 284 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, nhiều năm liền thôn Dốc Trầu đạt danh hiệu Thôn văn hóa các cấp.


Chị An còn là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình chị gồm: mía tím, chuối, bắp kết hợp nuôi heo, phát triển vườn rừng… cho thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/năm. “Tôi là trưởng thôn, kiêm thêm y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, tổ trưởng tổ vay vốn nên bản thân phải cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, tôi còn tranh thủ để đảm bảo việc chăm sóc gia đình, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để làm gương cho người dân noi theo”, chị An chia sẻ.


Ông Trương Văn Vỹ nhận xét: “5 năm qua, người dân thôn Dốc Trầu đã quen thuộc với hình ảnh nữ trưởng thôn trẻ không ngại nắng mưa, sớm tối đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con mọi công việc, từ lao động sản xuất đến những khó khăn, vướng mắc trong đời sống hàng ngày. Ghi nhận những đóng góp đó, bản thân chị An đã được các cấp biểu dương, khen thưởng”.   

 
Người cán bộ hội tạo việc làm cho phụ nữ nghèo


Hơn 10 năm gắn bó với công tác phụ nữ, chị Lê Thị Ngọc Thành - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ mẫu Nguyễn Thị Kim, Tổ dân phố 10 Cận Giang, phường Phương Sài, TP. Nha Trang đã giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo. Chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang biểu dương vì đã làm tốt công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

 

Tổ dân phố 10 Cận Giang có khoảng 230 hộ với 1.630 người dân. Đây là địa bàn khá khó khăn của phường Phương Sài, với hơn 60% dân số làm nghề lao động tự do, công việc không ổn định, đời sống khó khăn. Chị Thành kể, chị vừa làm nghề gia công giày dép, vừa tham gia công tác ở địa phương, làm tổ phó Tổ dân phố 10 Cận Giang từ năm 2002 nên hiểu rất rõ đời sống khó khăn của người dân. Chị còn tham gia làm cộng tác viên dân số nên thông thuộc hoàn cảnh các gia đình trong tổ. Nhờ nhiệt tình, gần dân nên chị được chị em phụ nữ trong tổ tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ vào năm 2005. Đến năm 2009, chị tiếp tục được người dân trong tổ bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố 10 Cận Giang.


Vừa tham gia làm cán bộ tổ, vừa phụ trách chi hội phụ nữ, ở cương vị nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, từ việc học lại nghề gia công giày dép từ chồng, chị đã trở thành một phụ nữ làm ăn giỏi, phát triển nghề thành cơ sở gia công giày dép, bỏ sỉ khắp các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Từ chỗ chỉ thuê vài thợ gia công, đến nay, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 25 hội viên phụ nữ trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. “Khoảng 1/2 chị em làm cho cơ sở của tôi đều thuộc gia đình hội viên khó khăn, nghèo và cận nghèo trong tổ. Các chị không có việc làm ổn định, chị em trong hội đã giới thiệu giúp đỡ, nhận gia công giày dép từ cơ sở của tôi về làm tại nhà kiếm thêm thu nhập”, chị Thành nói.

 

Chị Thành (bên trái) hướng dẫn hội viên phụ nữ gia công giày dép tại nhà

Chị Thành (bên trái) hướng dẫn hội viên phụ nữ gia công giày dép tại nhà

 

Chị Lê Thị Kim Anh (ở đường Phương Sài) cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. Chồng chị làm nghề xe ôm, chị bán nước mía phụ chồng nuôi 2 con nhỏ ăn học, cuộc sống khó khăn. Cách đây 5 năm, được chị Thành quan tâm, tạo điều kiện cho chị nhận nguyên liệu về nhà gia công khâu kết hạt lên quai giày, mỗi tháng chị kiếm thêm được từ 2 đến 3 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hồng Tú - hàng xóm chị Anh cũng nhờ làm gia công giày dép cho cơ sở của chị Thành mà hơn 4 năm nay chị có tiền nuôi 2 đứa con ăn học, đời sống ổn định hơn.


Nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn làm ăn, hỗ trợ tạo việc làm cho người dân của chị Thành, đến nay, những gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ cơ bản đã có việc làm, cuộc sống ổn định. Hiện tại, tổ chỉ còn 1 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo. Năm 2016, tổ giảm được 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.  


Chị Lương Liêm Tiên - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sài đánh giá, chị Thành là cán bộ hội giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chị là một tổ trưởng gần dân, bám sát địa bàn, một cán bộ hội nhiệt tình, các phong trào hội đều làm tốt, hoạt động sôi nổi. Chi hội phụ nữ chị phụ trách là một chi hội mạnh, hội viên tham gia sinh hoạt hội ngày một nhiều, đều đặn, trở thành chi hội phụ nữ mẫu mang tên nữ anh hùng Đặng Thị Kim từ năm 2013…


Với những cống hiến cho công tác xã hội ở địa phương, chị Thành từng nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của chính quyền địa phương và các cấp hội phụ nữ. Đặc biệt, năm 2017, chị Thành đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang biểu dương với thành tích hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.


Đinh Luận - LƯU KHÁNH