Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 137 đoàn xã, phường, thị trấn; trong đó, khối nông thôn, địa bàn dân cư có 2.335 chi đoàn.
Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 137 đoàn xã, phường, thị trấn; trong đó, khối nông thôn, địa bàn dân cư có 2.335 chi đoàn. Trong khi phong trào thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện luôn phát triển, đổi mới, thì về các địa phương, phong trào đoàn tại địa bàn dân cư vẫn còn nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Hữu Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Vạn Ninh cho biết, với đoàn cấp xã, khó khăn dễ nhận thấy nhất là việc tập hợp thanh niên. Tại các địa phương, tỷ lệ thanh niên đi học tập, làm ăn xa chiếm khoảng 2/3; số còn lại thường tập trung làm kinh tế, mưu sinh. Cùng với đó, kinh phí hoạt động hàng năm cấp cho các đơn vị còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động ít phong phú, không hấp dẫn thanh niên. Với các đoàn xã, kinh phí hoạt động được cấp khoán là 40 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản công tác phí, phí sinh hoạt, tiết kiệm chi…, số tiền còn lại để tổ chức các hoạt động chỉ khoảng 10 đến 15 triệu đồng. Vì vậy, để tổ chức được nhiều hoạt động, đoàn thanh niên thường phải linh động phối hợp với các đơn vị, đoàn thể khác. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng làm được, dẫn đến một số đơn vị hoạt động cầm chừng. Những địa bàn còn khó khăn nhiều là các xã cánh bắc của huyện như: Vạn Khánh, Vạn Thạnh, Đại Lãnh… Ở đây, công tác tập hợp thanh niên vẫn còn nhiều vướng mắc.
Là địa phương tập trung đông đảo thanh niên, công tác đoàn mạnh, nhưng anh Nguyễn Chí Anh - Bí thư Thành đoàn Nha Trang nhìn nhận rằng chưa có giải pháp hiệu quả để thu hút thanh niên tham gia hoạt động tại địa bàn dân cư. Với thanh niên tại các địa phương, những người đã đi làm thường tham gia hoạt động tại cơ quan, nên ít có thời gian tham gia tại nơi cư trú; với các thanh niên lao động, do không có sự ràng buộc với chi đoàn khu dân cư nên tập hợp rất khó khăn. “Nhiều đơn vị, đoàn viên chỉ có danh sách trên hồ sơ chứ không tham gia sinh hoạt. Thậm chí, có chi đoàn tổ dân phố, chỉ có mỗi bí thư chứ không có đoàn viên. Với các bí thư chi đoàn ở tổ dân phố, thôn cũng chưa có chính sách hỗ trợ nên mọi người làm chủ yếu vì tinh thần nhiệt tình. Việc tập hợp được thanh niên hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào kỹ năng của bí thư đoàn”, anh Chí Anh nói.
Ghi nhận thực tế, nhiều đoàn viên, thanh niên cho rằng, để thu hút mọi người tham gia, hoạt động đoàn cần được đổi mới, hấp dẫn hơn với thanh niên. Một đoàn viên phường Phương Sài thẳng thắn chia sẻ: “Ngoài đi học ở trường, ngày cuối tuần, tôi thường dành thời gian để vui chơi, giải trí. Với các hoạt động của đoàn phường phát động, nếu thấy thiết thực, tôi mới tham gia, còn nếu chỉ mang tính hình thức thì không chỉ mình tôi mà mọi người có tham gia cũng chỉ vì muốn hoàn thành nhiệm vụ chứ không hào hứng mấy”.
Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hoạt động đoàn tại địa bàn dân cư đặt ra cho những người làm công tác đoàn nhiều vấn đề. Đó là sự nhanh nhạy, nắm bắt, cập nhật thông tin kịp thời về những điều mà thanh niên hiện nay cần, để qua đó có thể tổ chức nhiều hoạt động với các hình thức phong phú, nhằm thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều cán bộ đoàn, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các chi đoàn tại các tổ dân phố, thôn, xóm hoạt động còn thiếu tính sáng tạo, thiếu sức hấp dẫn với thanh niên và sự gắn kết còn khá lỏng lẻo.
Vì vậy, thời gian tới, đội ngũ cán bộ đoàn cấp cơ sở cần được nâng cao kỹ năng công tác hơn nữa, có những hoạt động phù hợp với điều kiện của thanh niên tại địa phương. “Thực tế, vẫn có nhiều đơn vị tổ chức hoạt động rất tốt, vì các cán bộ đoàn biết cách tổ chức phù hợp với nhu cầu của thanh niên, tiêu biểu như: Đoàn Thanh niên thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), Đoàn phường Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang)… Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ triển khai nhiều hoạt động tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng công tác đoàn cho các cán bộ đoàn ở cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đoàn, tập hợp thanh niên tại các địa bàn dân cư”, anh Nhuận nói.
HẠ PHONG