Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, song, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, song, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Nhiều người học xong chưa có việc làm
Năm 2014, chị N.T.N, (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) đăng ký học nghề nấu ăn. Sau 3 tháng học, chị N. tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ nghề. Thế nhưng, đến nay, chị N. vẫn chưa tìm được việc làm theo đúng nghề mình đã được học. Bây giờ, hàng ngày, chị N. đi gom rau xanh trong làng đem ra chợ Dinh bán kiếm lời. Chị N. cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận. Có nơi nhận, nhưng trả lương khá thấp chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, không đủ để nuôi 2 con ăn học, trang trải cuộc sống hàng ngày. Tấm chứng chỉ nghề tôi đành bỏ tủ làm kỷ niệm”.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, những năm qua, thị xã đã triển khai sâu rộng công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó, giúp nhiều người có nghề, tạo việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, toàn thị xã vẫn còn hơn 1.300 LĐNT đã qua đào tạo nghề nhưng chưa có việc làm, đa số là do học những nghề không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Tại TP. Nha Trang, hiện nay, vẫn còn gần 400 LĐNT đã qua học nghề nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có việc làm. Phần lớn những người chưa có việc làm là học nghề nông nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất hoặc không có vốn đầu tư vào sản xuất. Do lâu ngày không được áp dụng kỹ thuật đã học vào thực tiễn nên kiến thức bị mai một đi nhiều.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hơn 4.000 người. Sau học nghề có khoảng 80% LĐNT tìm được việc làm. Tuy nhiên, phần lớn người có việc làm chủ yếu là tự tạo việc làm. Một số nghề nằm trong danh mục đào tạo không còn phù hợp với thực tế…
Ngày càng khó tuyển sinh
Một thực tế hiện nay là việc tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho LĐNT gặp nhiều khó khăn. Số LĐNT đăng ký học nghề đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2015 có hơn 5.000 LĐNT đăng ký và được đào tạo, thì đến năm 2016 chỉ còn hơn 3.000 và từ đầu năm 2017 đến nay chỉ có hơn 1.600 LĐNT đăng ký học nghề.
Đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: UBND tỉnh luôn chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với địa chỉ việc làm, không được chạy theo thành tích, số lượng. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, thời gian tới, các ngành, địa phương phải chú trọng đào tạo những nghề mà nhu cầu xã hội đang cần, học xong là có việc làm ngay. Bên cạnh đó, việc phân công đào tạo của các ngành còn theo kiểu mỗi ngành mỗi kiểu, thiếu đồng nhất. Do đó, các ngành cần bàn bạc, thống nhất nội dung, hướng đào tạo cho phù hợp, tránh chồng chéo. |
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, LĐNT cần có thu nhập ngay nhằm giải quyết nhu cầu tức thời của cuộc sống. Người dân có thể đi làm thuê, làm mướn hàng ngày kiếm hơn 100.000 đồng để lo cho cuộc sống. Vì vậy, bỏ việc đang làm để đi học nghề là rất khó, mặc dù quá trình đi học đã có hỗ trợ học phí, chi phí đi lại. Bởi, nhiều LĐNT là lao động chính trong nhà, họ ngại trong thời gian đi học mất thu nhập hiện có, không có tiền để nuôi gia đình.
Ít LĐNT học nghề nông nghiệp cũng là tình trạng xảy ra tại nhiều nơi. Hiện nay, người trực tiếp sản xuất phần lớn là lao động lớn tuổi. Vì thế, họ chủ yếu học bồi dưỡng, tập huấn thêm về kỹ thuật giúp cho công việc đang làm. Trong khi đó, lao động trẻ nếu không làm công chức, họ cũng rẽ hướng làm công nhân ở các khu công nghiệp. Thanh niên nông thôn rất ít quan tâm học và gắn bó với các nghề nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nông nghiệp đang thiếu hụt lao động trẻ.
Với các nghề phi nông nghiệp, người lao động sau khi đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp do trình độ đào tạo chỉ ngắn hạn dưới 3 tháng. Trang thiết bị dạy nghề được tăng cường vẫn không theo kịp thay đổi công nghệ sản xuất trong thực tế. Phần lớn học viên học xong tự tạo việc làm, vừa kiếm thu nhập, vừa lo việc nhà, còn kết quả giới thiệu vào các doanh nghiệp làm theo đúng ngành nghề đã học khá hạn chế. Bên cạnh đó, do thời gian đào tạo ngắn nên người lao động thiếu về tác phong công nghiệp. Nhiều lao động khi được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm không chịu khó nên được một gian rồi tự bỏ việc…
PHÚ VINH