Tuy đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, nhưng 6 hộ dân người dân tộc Raglai vẫn cương quyết không chịu bàn giao để thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời Tuấn Ân. Vì thế, UBND TP. Cam Ranh vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa xin lập phương án cưỡng chế.
Tuy đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, nhưng 6 hộ dân người dân tộc Raglai vẫn cương quyết không chịu bàn giao để thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời Tuấn Ân. Vì thế, UBND TP. Cam Ranh vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa xin lập phương án cưỡng chế.
Đã hỗ trợ tối đa
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Tuấn Ân có tổng diện tích 10,6ha. Tổng diện tích đất phải thu hồi là hơn 9,8ha của 18 hộ gia đình, trong đó có 17 hộ là đồng bào dân tộc Raglai, 1 hộ là người Kinh. Toàn bộ khu vực đất lập dự án thuộc đất sản xuất hoa màu, cây lâu năm của đồng bào dân tộc thiểu số và đất do UBND xã Cam Thịnh Tây quản lý. Thực tế, khu vực này chủ yếu là đất bỏ hoang, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Đến nay, công tác bồi thường hỗ trợ, thu hồi đất để triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, đã có 12 hộ nhận tiền bồi thường từ chủ đầu tư và bàn giao mặt bằng, còn lại 6 hộ không hợp tác, không nhận tiền hỗ trợ. Thống kê của UBND TP. Cam Ranh cho thấy, cả 6 hộ này nếu bàn giao đất cho dự án vẫn còn diện tích đất khá lớn để tổ chức sản xuất. Số tiền các hộ nhận đền bù từ chủ đầu tư cũng không phải ít. Cụ thể, hộ bà Thị Điếu (có 3 nhân khẩu) bị thu hồi 16.894m2, được bồi thường gần 813 triệu đồng, vẫn còn hơn 20.000m2 đất để sản xuất. Hộ ông Mang Lánh (10 nhân khẩu) bị thu hồi 7.526m2, được bồi thường 357,9 triệu đồng, vẫn còn hơn 20.000m2 đất sản xuất. Hộ ông Mang Hám (5 nhân khẩu) bị thu hồi 7.971m2, được đền bù hơn 542 triệu đồng, vẫn còn hơn 8.000m2 đất để sản xuất…
Hiện nay, trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không có chính sách hỗ trợ riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. UBND TP. Cam Ranh đã áp dụng đầy đủ các chính sách có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Thời gian qua, UBND TP. Cam Ranh đã làm việc với chủ đầu tư và thống nhất, ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định, chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho tất cả 18 hộ trong vùng dự án 20 triệu đồng/hộ để ổn định cuộc sống. Chủ đầu tư không hỗ trợ tiền mà hỗ trợ bò, dê giống để người dân chăn nuôi, làm kinh tế.
Cưỡng chế từng trường hợp
Ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết, trong 6 hộ không hợp tác thì có 3 hộ không chấp nhận về giá bồi thường, 3 hộ còn lại muốn giữ đất. Đất của các hộ này lâu nay sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, chủ yếu để chăn bò và dê. Xã đã nhiều lần đến vận động, thuyết phục nhưng người dân vẫn cương quyết không hợp tác. Biện pháp cuối cùng là cưỡng chế thu hồi đất để dự án sớm được triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, các ngành chức năng của thành phố và xã Cam Thịnh Tây đã nhiều lần tổ chức vận động, tuyên truyền để 6 hộ hiểu chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước. Các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Raglai cũng nhiều lần đến từng nhà để thuyết phục nhưng đến nay họ vẫn không chịu nhận tiền và bàn giao đất. Ngày 9-8, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức đối thoại với 18 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tại buổi đối thoại, UBND thành phố đã phổ biến đầy đủ các chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chủ trương đầu tư dự án; đồng thời trả lời, giải quyết cụ thể từng ý kiến của các hộ. Tuy nhiên, 6 hộ này vẫn không cho Nhà nước thu hồi đất và không ký vào biên bản đối thoại.
Được biết, sau khi UBND TP. Cam Ranh kiến nghị, UBND tỉnh đã tổ chức họp với các ngành liên quan và có thông báo đồng ý cho phép tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 6 hộ này. Ngày 31-8, UBND TP. Cam Ranh đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo toàn bộ sự việc và kiến nghị UBND tỉnh cho phép TP. Cam Ranh lập phương án cưỡng chế từng trường hợp một, không cưỡng chế cùng lúc 6 trường hợp.
NHẬT THANH
Năm 2016, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời hòa lưới 10MWP cho Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân. Dự án được triển khai tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh với công suất thiết kế 10MW, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành nhà máy điện công suất pin mặt trời 10MW hòa vào lưới điện áp 22KV, sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 14,5 triệu KWh.
_________________________________
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp đang được UBND xã Cam Thịnh Tây quản lý có diện tích 32.896m2, tập trung tại thôn Sông Cạn Trung. UBND TP. Cam Ranh đã công khai cho 6 hộ này và đề nghị nếu hộ nào có nhu cầu bồi thường bằng đất thì đăng ký để xác lập hoán đổi đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, 6 hộ cũng không đồng ý nhận đất sản xuất.