Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thời gian gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã chuyển từ DS-KHHGĐ sang DS phát triển. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao vai trò và vị thế phụ nữ.
Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thời gian gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã chuyển từ DS-KHHGĐ sang DS phát triển. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao vai trò và vị thế phụ nữ.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho nữ giới
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban DS xã cho biết, Suối Cát có 7 thôn với 2.413 hộ, 10.222 khẩu, trong đó có 3 thôn là người đồng bào dân tộc Raglai, chiếm 1/3 số dân toàn xã. Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ DS nên công tác DS-KHHGĐ có sự chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, địa phương đã quan tâm tăng cường truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại các xã khó khăn, có mức sinh cao; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2016, Ban DS xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nâng cao vị thế phụ nữ, thu hút gần 100 người tham dự; đồng thời cấp phát 600 tờ rơi các loại và phát tin, bài tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã. Bên cạnh đó, tổ chức phát động tham gia cuộc thi kể chuyện bằng hình ảnh “Con gái thật tuyệt” trên mạng xã hội, viết tin bài truyền thông. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia học các lớp chính trị, nâng cao trình độ để nắm giữ tốt các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền; kêu gọi người dân đẩy lùi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, phấn đấu vì sự tiến bộ của phụ nữ… Nhờ vậy, đa số người dân đã dần thay đổi cách nhìn về vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng nam nữ, từ đó chấp nhận quy mô gia đình chỉ có 2 con, dù sinh một bề gái.
Chị Mang Thị Ngọc Bích (sinh năm 1978, ở thôn Suối Lau) cho biết: “Được cán bộ DS tuyên truyền về giảm sinh, tôi đã làm theo. Bây giờ, con tôi đã lớn, được ăn học đầy đủ, 1 cháu đang học đại học, 1 cháu đang học lớp 12. Vợ chồng tôi làm rẫy, chăn nuôi bò và làm ruộng. Nhờ sinh ít mà bây giờ có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định. Việc tuyên truyền về vai trò và vị thế phụ nữ, đó là một tiến bộ nên tôi rất ủng hộ”. Chị Hoàng Thị Bích Đào (thôn Tân Xương) nói: “Theo tôi, không nên sinh đông vì cuộc sống sẽ đói nghèo; cũng không nên quan niệm phụ nữ phải sinh con trai, phải coi trọng trẻ em gái thì tương lai các em mới có thể tươi sáng và sống tự tin được”.
Chuyển biến tích cực
Nhờ tuyên tuyền hiệu quả, năm 2016, chị em phụ nữ trên địa bàn xã đã tham gia dịch vụ KHHGĐ khá đông. Các chỉ tiêu DS đạt và vượt cao so với kế hoạch. Cụ thể: tỷ suất sinh giảm còn 10,6‰; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 5,6%. Tình trạng tảo hôn giảm 50% so với những năm trước; đặc biệt trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; có 4/7 thôn đạt thôn văn hóa.
Ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, xã đã rất quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ, nhất là những vấn đề mới như: chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ; nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ và trẻ em gái; quan tâm đầu tư cho vị thành niên, thanh niên. Chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, bình đẳng giới, phát huy vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện cho chị em thể hiện năng lực của mình. Hàng năm, xã đều khen thưởng và tặng giấy khen cho phụ nữ 2 giỏi. Hiện nay, toàn xã cán bộ nữ chiếm 30%. Xã phấn đấu thời gian tới tăng tỷ lệ này lên cao, từng bước nâng cao chất lượng DS, xây dựng xã hội văn minh, tôn trọng nữ giới.
Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, thời gian tới, công tác DS của xã rất cần thực hiện lồng ghép tuyên truyền tại các thôn, tổ, tập trung mục tiêu tăng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai bền vững; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đồng thời, mở rộng các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS như: tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ và trẻ em gái.
M.T