Ngày 3-8, các ông: Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị gắn kết cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp.
Ngày 3-8, các ông: Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị gắn kết cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp (DN). Nhiều vấn đề bất cập, cùng các giải pháp tháo gỡ được các sở, ban, ngành, cơ sở dạy nghề và DN thẳng thắn chỉ ra.
Còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian tới, các cơ sở dạy nghề cần khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của DN, từ đó tư vấn tuyển sinh đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề theo hướng chất lượng, phù hợp với nhu cầu của DN; chủ động liên kết, đặt hàng với DN để đào tạo. Các DN cần cung cấp thông tin lao động để cơ sở dạy nghề chủ động tuyển sinh đào tạo; hỗ trợ đắc lực cho cơ sở dạy nghề về chương trình, nội dung, thiết bị dạy nghề. Về phía các sở, ngành, địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân về định hướng nghề nghiệp; gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là đào tạo nhân lực cho DN; triển khai tốt công tác phân luồng học sinh; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho DN tham gia dạy nghề; xác định những nghề trọng điểm để thực hiện đào tạo hợp lý… |
Tại hội nghị, ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 9.800 DN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Qua khảo sát, hàng năm các DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 17.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành như: may mặc, sợi, vải; chế biến lương thực, thực phẩm; nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch; cơ khí, điện tử…
Toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở dạy nghề, bình quân mỗi năm đào tạo nghề hơn 25.000 người. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề tuyển sinh đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Điều này là do nhà trường và DN chưa thực sự gắn kết chặt chẽ trong đào tạo. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề còn hạn chế; tâm lý người dân vẫn đặt nặng mục tiêu con em mình phải vào đại học; DN thiếu trách nhiệm và chưa chủ động cung cấp thông tin nhu cầu và tham gia đặt hàng đào tạo với cơ sở dạy nghề; một số DN không tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập, nghiên cứu…
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các cơ sở dạy nghề vẫn chưa thực sự phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động và chưa bổ sung những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
Ông Võ Sơn - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp (Khu công nghiệp Suối Dầu) cho biết, khi mở rộng quy mô sản xuất, đơn vị cần hơn 700 lao động nhưng đi tuyển khắp nơi đều không được. Đơn vị đã tìm đến các trường nghề, tuy nhiên họ lại không đào tạo học viên nghề sợi, dệt, nên DN phải tuyển lao động không có tay nghề rồi đưa qua Pháp đào tạo từ 3 đến 6 tháng. Điều này làm tốn thời gian và chi phí của đơn vị. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho những DN tham gia đào tạo nghề.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hải Vương cho biết, phần lớn lao động tốt nghiệp ra trường khi tuyển dụng vào làm việc còn yếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ kém. Ngoài ra, tác phong, thái độ làm việc còn thiếu nghiêm túc, thiếu tính kỷ luật. Vừa qua, công ty phỏng vấn tuyển dụng 200 sinh viên mà không ai đáp ứng được yêu cầu, điều này cho thấy công tác đào tạo chưa chú trọng vào chất lượng. Đại diện lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng cho rằng, kỹ năng nghề của lao động sau đào tạo còn rất yếu, khi được tuyển dụng làm rất lúng túng. Từ đó, buộc DN mất thời gian, chi phí để đào tạo lại tay nghề…
Đề xuất nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang đề nghị, các DN phải sớm xây dựng kế hoạch tuyển dụng của từng năm, từng vị trí việc làm, rồi thông tin cho cơ sở dạy nghề để chủ động tìm nguồn tuyển sinh đào tạo, đáp ứng nhu cầu cho DN. Còn ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cần có chính sách đặc thù riêng trong hỗ trợ học nghề để thu hút người học. Đồng thời, các DN cần quan tâm nâng cao thu nhập, đảm bảo điều kiện sống thì người lao động sẽ tự tìm đến DN…
Ông Trần Sơn Hải cho biết, có làm tốt công tác phân luồng học sinh thì mới có đầu vào cho tuyển sinh đào tạo nghề. Do đó, trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương là phải đưa ra giải pháp cụ thể để phân luồng học sinh. Đồng thời, các cơ sở dạy nghề và các địa phương phải chủ động đi tìm đầu ra cho người học nghề. Chẳng hạn, nhiều năm qua, huyện Khánh Sơn đã liên hệ với các DN tại TP. Hồ Chí Minh để tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động gắn kết chặt chẽ với cơ sở dạy nghề để cùng nhau đào tạo theo nhu cầu của DN; tạo điều kiện cho học viên, sinh viên đến thực tập, được tiếp cận với máy móc hiện đại của DN; có chính sách bảo đảm cuộc sống để thu hút, giữ chân người lao động...
VĂN GIANG