06:07, 18/07/2017

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Cần có giải pháp kịp thời

Hiện nay, Khánh Hòa bị xếp vào nhóm mất cân bằng giới tính khi sinh cao của cả nước, sự chênh lệch giữa bé trai và bé gái ngày càng tăng với tỷ lệ 100 bé gái/111 bé trai…

Hiện nay, Khánh Hòa bị xếp vào nhóm mất cân bằng giới tính khi sinh cao của cả nước, sự chênh lệch giữa bé trai và bé gái ngày càng tăng với tỷ lệ 100 bé gái/111 bé trai…


Nhiều địa phương chưa khống chế được


Anh Trương Văn Long (40 tuổi) ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết: “Tôi có 2 con gái, 2 con trai. Biết sinh con đông thì cuộc sống vất vả, nhưng tôi làm nghề biển, không sinh con trai thì lấy ai giúp đỡ?”… Đó cũng là tâm lý chung của những người dân miền biển. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, huyện Vạn Ninh liên tục có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Bác sĩ Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Vạn Ninh cho biết, nhiều năm qua, địa phương đã chú trọng tuyên truyền vấn đề này nhưng vẫn chưa khống chế được. Tình trạng này phổ biến nhất ở các xã: Vạn Thạnh, Vạn Thắng.

 

Tuyên truyền về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho ngư dân xã Vạn Thắng

Tuyên truyền về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho ngư dân xã Vạn Thắng


Năm 2016, thị xã Ninh Hòa trở thành địa phương đứng đầu về mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện tại, các xã vùng nông thôn tỷ lệ chênh lệch giữa bé trai/bé gái rất cao như: Ninh Thượng 52/13, Ninh Tây 41/14, Ninh Sim 77/29…


Cần có giải pháp kịp thời


Trước thực trạng trên, thực hiện theo chủ trương của Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2016, tỉnh đã phát động Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái và phụ nữ là đầu tư cho tương lai bền vững”. Thông điệp còn nhằm kêu gọi cộng đồng, đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ và trẻ em gái vị thành niên là nhân tố tích cực cho việc thay đổi tư duy và hành động của người dân - không lựa chọn giới tính khi sinh và không phân biệt đối xử về giới.

 

Theo thống kê, năm 2002, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh toàn tỉnh là 108%, năm 2012 tăng lên 109%, thuộc nhóm có nguy cơ cao. Năm 2016, tỷ lệ chênh lệch tăng lên khoảng 111%, thuộc nhóm cao. Trong đó, có những địa phương đã vượt mức báo động như: huyện Vạn Ninh với tỷ lệ 120%, Diên Khánh 114,7%, Ninh Hòa 133%, Cam Ranh 109%, Nha Trang 108%. Tình trạng này phổ biến ở vùng biển và nông thôn.

Theo đó, ngành Dân số tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như: lồng ghép tuyên truyền vận động trong các cấp, ngành và người dân về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp với Sở Y tế rà soát, kiểm tra các nhà sách bày bán các sách có nội dung hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi trên toàn tỉnh. Qua đó, ngành đã tiêu hủy hàng ngàn ấn phẩm. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2016”, triển khai trên toàn tỉnh. Theo đề án, Chi cục DS-KHHGĐ đã xây dựng kế hoạch triển khai và đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động như: tổ chức hội nghị, tọa đàm về thực trạng, bàn giải pháp giải quyết vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, cải thiện sức khỏe trẻ em gái; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức mitting, cổ động, tăng cường truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển… Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 392 buổi nói chuyện chuyên đề, thu hút 9.866 lượt người tham gia; 225 lần sinh hoạt nhóm với 2.602 người tham dự; tư vấn 12.988 lượt hộ gia đình và tư vấn trực tiếp cho 405 đối tượng sống xa dân cư. Ngoài ra, còn tuyên truyền lồng ghép với các câu lạc bộ, các chi hội, đoàn thể, thu hút gần 6.000 hội viên tham gia…


Cuối tháng 6 vừa qua, tại lớp tập huấn cán bộ dân số tại Khánh Hòa, ông Đặng Văn Nghị - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá, Khánh Hòa đã ổn định tổng tỷ suất sinh, các mô hình đề án đều triển khai và thực hiện tốt, được Trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa khống chế được, cần có giải pháp kịp thời, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Chính quyền địa phương cần quan tâm, đầu tư kinh phí để công tác tuyên truyền được chất lượng.


M.T