09:07, 09/07/2017

"Dân" thể thao nói gì?

"Quá nặng", "có thể nguy hiểm đến tính mạng con người"... Đó là những cụm từ mà chúng tôi nhận được khi tham khảo ý kiến của một số người hoạt động trong lĩnh vực thể thao với bài test: trên 50 tuổi, chạy 3.000m trong 12 phút. Đây cũng chính là bài kiểm tra thể lực mà một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Suối Dầu vừa áp dụng cho nhân viên bảo vệ của mình.

“Quá nặng”, “có thể nguy hiểm đến tính mạng con người”... Đó là những cụm từ mà chúng tôi nhận được khi tham khảo ý kiến của một số người hoạt động trong lĩnh vực thể thao với bài test: trên 50 tuổi, chạy 3.000m trong 12 phút. Đây cũng chính là bài kiểm tra thể lực mà một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Suối Dầu vừa áp dụng cho nhân viên bảo vệ của mình.


Theo thông tin từ lãnh đạo doanh nghiệp, việc kiểm tra sức khỏe nhân viên nhằm đảm bảo nghiệp vụ bảo vệ an ninh, phòng cháy chữa cháy trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi xung quanh bài test này, Huấn luyện viên (HLV) đội tuyển U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Việc áp dụng bài kiểm tra thể lực như vậy là quá tải. Các vận động viên (VĐV) bóng đá chuyên nghiệp nhiều người cũng chỉ chạy được đến vậy. Thậm chí, nhiều cầu thủ không hoàn thành được. Ở độ tuổi khác cần phải có những hình thức kiểm tra thể lực khác, không ai lại đưa ra bài kiểm tra quá nặng như vậy. Không biết người ta dựa vào đâu mà đưa ra bài test đó cho những người nghiệp dư, lớn tuổi. Cách kiểm tra thể lực như vậy phản khoa học, có thể dẫn đến chết người”.

 

Nhiều vận động viên chuyên nghiệp cũng phải “bở hơi tai” mới có thể hoàn thành bài test

Nhiều vận động viên chuyên nghiệp cũng phải “bở hơi tai” mới có thể hoàn thành bài test


Còn theo HLV trưởng Sanna KH-BVN Võ Đình Tân, cường độ đó là không hợp lý. Trước đây, trong kiểm tra thể lực các cầu thủ chuyên nghiệp, với quãng thời gian đó quy định chạy đủ 2.800m là đạt yêu cầu, 3.000m là trung bình, 3.200m là khá. Vậy nhưng, nhiều cầu thủ không hoàn thành được bài test. Bây giờ, gần như các môn thể thao không còn áp dụng bài test này nữa nên cũng khó so sánh. Tuy nhiên, với một số người vẫn gắn bó với thể thao, vẫn chạy ở cường độ cao hàng ngày, ở độ tuổi dưới 50 như: Thiện Hảo, Đặng Đạo… có khi chạy không nổi 3.000m trong 12 phút chứ đừng nói đến những người nghiệp dư, lớn tuổi.


Cũng với câu hỏi liệu có hợp lý không khi yêu cầu một người trên 50 tuổi phải hoàn thành 3.000m trong 12 phút, HLV trưởng đội tuyển điền kinh Khánh Hòa Hoàng Thị Huyền Nga cho biết: “Với một người ngày nào cũng luyện tập thể thao bằng cách chạy bộ, việc hoàn thành bài test này cũng rất khó khăn. Huống chi các bác bảo vệ chủ yếu là lớn tuổi, bắt kiểm tra như vậy là chưa hợp lý. Với các VĐV đội tuyển điền kinh trong diện tranh chấp huy chương ở các giải toàn quốc cũng phải mất 10 - 11 phút đối với nữ và khoảng 9 phút đối với nam. Nếu không tập, ra chạy là chân dỡ không lên được, càng cố càng đuối chân, khó hoàn thành”.


Cũng với ý kiến tương tự, HLV tổ điền kinh cự ly trung bình - dài của Khánh Hòa, Phạm Đình Khánh Đoan khẳng định: “Chính xác là không khoa học khi áp dụng bài kiểm tra này đối với độ tuổi như thế. Lâu nay, cự ly 3.000m không còn tổ chức thi đấu, nên không có chỉ số so sánh cụ thể. 1 VĐV nam tuyến tuyển của Khánh Hòa, độ tuổi 20 - 25 thuộc nhóm tranh chấp huy chương tại giải điền kinh vô địch quốc gia, cũng phải mất gần 9 phút mới có thể hoàn thành quãng đường 3km. Trước đây, các trọng tài quốc gia có bài kiểm tra thể lực tương tự như bài kiểm tra mà doanh nghiệp đó đã áp dụng với nhân viên bảo vệ của mình”.


Trao đổi với chúng tôi, cựu còi vàng 2 năm liên tiếp (2011 - 2012), hiện nay đang phụ trách thể lực của Ban Trọng tài, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Võ Quang Vinh cho biết: “Từ năm 2016 trở về trước, các trọng tài có bài test gọi là test 12. Các trọng tài quốc gia dưới 45 tuổi, trong 12 phút chạy đủ quãng đường 2.700m là đạt yêu cầu. Với các cầu thủ thì cao hơn 1 chút. Hiện nay, người ta thực hiện các bài kiểm tra thể lực khác. Bài test mới nhất, được áp dụng từ năm 2017 là yêu cầu trọng tài chạy 75m, sau đó đi bộ 25m, thực hiện lặp đi, lặp lại liên tục trong 40 lần như thế là hoàn thành. Với yêu cầu chạy 3.000m trong 12 phút, bây giờ kể cả với các cầu thủ chuyên nghiệp cũng khó có thể hoàn thành. Nếu hoàn thành cũng phải tiêu tốn rất nhiều thể lực”.


Còn theo anh Trần Đức Phúc, 45 tuổi, ở phường Phương Sơn, TP. Nha Trang: “Tôi thường xuyên chạy bộ vòng quanh sân vận động 19-8 Nha Trang, để chạy được 3.000m phải mất ít nhất 20 phút. Việc kiểm tra sức khỏe đã có đội ngũ bác sĩ, hoặc các bài kiểm tra được đưa ra bởi chuyên gia thể lực, không nên ép người lao động phải thực hiện một nhiệm vụ quá nặng nề như thế”.


Được biết, bài kiểm tra sức khỏe mà doanh nghiệp trên áp dụng đối với người lao động của mình tương tự với bài Test Cooper được áp dụng cho lĩnh vực quân sự, thể thao. Thậm chí, mức độ yêu cầu còn cao hơn cả các VĐV chuyên nghiệp. Cụ thể, Test Cooper đưa ra bảng đánh giá thể lực đối với nam trên 50 tuổi chạy liên tục trong vòng 12 phút như sau: 2.400m trở lên: rất tốt. 2.000m - 2.399m: tốt. 1.600m - 1.999m: trung bình cộng. 1.300m - 1.599m: xấu. Dưới 1.300m: rất tệ.


Tuy nhiên, do không phù hợp, phương pháp Test Cooper không còn được áp dụng từ hàng chục năm nay, thay vào đó là các phương pháp hiện đại, khoa học hơn.


H.Đ