11:07, 20/07/2017

Phân viện Thú y Miền Trung: Những bước tiến vững chắc

Phân viện Thú y Miền Trung tiền thân là Trạm Chế thuốc Thú y Nha Trang, được thành lập ngày 23-7-1977. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, phân viện đã có những bước tiến vững chắc, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp cả nước.
 

Phân viện Thú y Miền Trung tiền thân là Trạm Chế thuốc Thú y Nha Trang, được thành lập ngày 23-7-1977. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, phân viện đã có những bước tiến vững chắc, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp cả nước.

 

Phân viện nhận Giải Vàng chất lượng Quốc gia.
Phân viện nhận Giải Vàng chất lượng Quốc gia.
 
Phân viện Thú y Miền Trung có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về lĩnh vực thú y nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phân viện còn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài thủy sản tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong thú y, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thực hiện các dịch vụ thú y và chăn nuôi; tham gia đào tạo nguồn nhân lực về thú y… 
 
40 năm xây dựng và phát triển, Phân viện Thú y Miền Trung vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; cờ Thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Khánh Hòa… Năm 2017, Phân viện Thú y Miền Trung vinh dự là 1 trong 15 doanh nghiệp trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ trao Giải Vàng chất lượng Quốc gia.
Hiện nay, Phân viện Thú y Miền Trung có cơ sở vật chất khang trang, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại dành cho các bộ môn nghiên cứu, phòng chuyên môn, khu chẩn đoán bệnh động vật. Hệ thống phòng thí nghiệm được quản lý hoạt động theo tiêu chuẩn ISO:17025, với các trang thiết bị hiện đại được công nhận Phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp độ II, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là Phòng Thử nghiệm ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Năm 2016, phân viện đưa vào sử dụng cơ sở sản sản xuất vắc xin hiện đại, diện tích sử dụng 2.100m2, đạt yêu cầu “Thực hành tốt sản xuất thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). 
 
Những ngày đầu thành lập, phân viện chỉ có 6 cán bộ chủ chốt, 2 bộ môn nghiên cứu, 3 tổ nghiệp vụ và 1 cơ sở trực thuộc. Đến nay, phân viện đã thành lập 14 đơn vị, trong đó 4 phòng chức năng, 4 bộ môn nghiên cứu và 4 phòng chuyên môn, 1 tổ trực thuộc và 1 phân xưởng sản xuất với 105 cán bộ, công nhân viên. Những năm qua, phân viện cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, ngoại ngữ trong và ngoài nước thông qua các chương trình nghiên cứu, dự án hợp tác nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của phân viện trong giai đoạn hội nhập. Phân viện thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ thú y, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thú y cơ sở tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 
 
Phân viện đã và đang hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng ở các nước tiên tiến như: Đại học Bang Iowa, Đại học Wyoming (Hoa Kỳ), Đại học Free Brusell, Đại học Ghen (Bỉ), Đại học Tulu (Pháp), Đại học Chung Ang, Đại học Chung Nam (Hàn Quốc) Đại học Bình Đông (Đài Loan), Viện Thú y nhiệt đới (Bỉ), Viện AHLL (Úc), Viện IZSVe (Ý)... đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin mới. Hiện nay, sản phẩm vắc xin và sinh phẩm thú y của phân viện đã và đang được sản xuất tại cơ sở hiện đại, đạt chuẩn GMP-WHO. Nhiều công trình nghiên cứu của phân viện đã được công bố tại các hội thảo khoa học trong nước và được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. 
 
Với mục tiêu gắn nhiệm vụ nghiên cứu với sản xuất và phòng trừ dịch bệnh, rất nhiều đề tài, giải pháp trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất đã được công nhận sáng kiến cấp cơ sở, tham gia các hội thi cấp tỉnh, cấp Trung ương và đạt nhiều giải thưởng cao. Trong đó, có 12 sản phẩm vắc xin đạt Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam: vắc xin kép tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn nhược độc đông khô; vắc xin dịch tả lợn; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; vắc xin tụ huyết trùng gia cầm...; sản phẩm vắc xin phòng bệnh ở lợn đạt giải thưởng “Top 100 hàng Việt tốt do người tiêu dùng bình chọn năm 2014”; 2 sản phẩm đạt giải Bông lúa vàng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng là: vắc xin kép tụ huyết trùng - đóng dấu lợn; vắc xin tụ huyết trùng - phó thương hàn lợn… 
 
Phân viện đã xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, được người chăn nuôi tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch bệnh và tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Hàng năm, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của phân viện tăng trung bình từ 10 đến 12 %.   
 
Hiện nay, Đảng bộ Phân viện Thú y Miền Trung có 5 chi bộ trực thuộc, liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phân viện còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội như: thăm tặng quà các gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, ủng hộ các tỉnh bị bão lụt… Đặc biệt, những năm gần đây, phân viện đã góp phần vào hoạt động chăn nuôi và xây dựng môi trường xanh tại nhiều đảo thuộc huyện Trường Sa. Cụ thể, tư vấn phòng, chữa bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ máy ấp trứng, dụng cụ thú y và nhiều cây xanh, hoa các loại để xây dựng môi trường xanh, đẹp... Từ năm 2011 đến nay, Phân viện Thú y Miền Trung đã đóng góp cho các hoạt động xã hội với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng.
 
Hoàng Lệ Hà