11:07, 03/07/2017

Nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn

Bảo vệ rừng ngập mặn ven biển là một trong những việc làm được tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Hiện nay, đã có những khu rừng ngập mặn được phục hồi, bảo tồn được nguồn gen quý và môi trường được cải thiện. 

Bảo vệ rừng ngập mặn ven biển là một trong những việc làm được tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Hiện nay, đã có những khu rừng ngập mặn được phục hồi, bảo tồn được nguồn gen quý và môi trường được cải thiện. Tuy nhiên, để có thêm nhiều hơn nữa những cánh rừng ngập mặn, cần phải có sự chung sức của cả cộng đồng.


Hồi sinh rừng ngập mặn


Trước đây, những cánh rừng ngập mặn ở khu vực bán đảo Hòn Hèo (xã Ninh Lộc và Ninh Ích), thuộc thị xã Ninh Hòa bị xâm hại khá nhiều do quá trình nuôi tôm của người dân. Song, thời gian gần đây, rừng ngập mặn đã hồi phục xanh tốt, được các nhà khoa học đánh giá cao về đa dạng sinh học. Ngoài những loài thông thường, tại khu vực này còn có một số cây ngập mặn nằm trong sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ. Với những giá trị quý giá vốn có, khu vực rừng này không chỉ được bảo vệ, mà còn được các nhà khoa học nghiên cứu, mở rộng diện tích.

 

Ông Trần Giỏi - Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Ở rừng ngập mặn trên bán đảo Hòn Hèo có cây bát nha, loài cây nằm trong sách Đỏ Việt Nam, ở cấp cực kỳ quý hiếm. Những loài cây ngập mặn nằm trong sách Đỏ không còn nhiều nên cây có giá trị đặc biệt, cần phải được nuôi dưỡng. Hiện tại, chúng tôi đang tìm cách nhân giống để bảo tồn cây bát nha; nếu rừng ngập mặn mà thiếu cây này thì rừng đơn điệu về thành phần loài cũng như tính đa dạng, đặc biệt là nghiên cứu khoa học”.


Theo ông Giỏi, rừng ngập mặn đang đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các địa phương ven biển. Rừng sẽ giúp giữ đất, chống xói lở, bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, góp phần xử lý chất thải. Rừng ngập mặn ở Hòn Hèo phát triển xanh tốt là cơ sở để các loài sinh vật sinh trưởng một cách tự nhiên, tạo nên một quần thể đa dạng. Một trong những yếu tố giúp rừng ngập mặn phát triển là nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, sự chung tay bảo vệ của các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại đây cũng đã góp phần hồi sinh rừng ngập mặn Hòn Hèo. Ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho hay: “Các doanh nghiệp khi làm du lịch ở khu vực bán đảo Hòn Hèo đều hết sức bảo vệ rừng ngập mặn. Công ty chúng tôi luôn xem kinh doanh và bảo vệ thiên nhiên ở khu vực này là nhiệm vụ hàng đầu, không thể tách biệt. Hàng năm, công ty luôn có những đợt dọn vệ sinh dưới tán rừng, đồng thời thường xuyên trồng dặm cây mới vào những vị trí cây cũ bị chết”.

 

Một góc rừng ngập mặn trên bán đảo Hòn Hèo

Một góc rừng ngập mặn trên bán đảo Hòn Hèo

 

Cần có sự chung tay


Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội địa phương, việc tác động đến rừng ngập mặn là không thể tránh khỏi. Vì thế, điều cần thiết là các dự án về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch, cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay, tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên đang là nguy cơ đe dọa hệ sinh thái rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, việc quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý cũng làm cho rừng ngập mặn thu hẹp diện tích. Chẳng hạn như những khu rừng ngập mặn ở Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), hay ở các xã, phường ven biển của TP. Cam Ranh, trước đây phát triển rất tốt, nhưng thời gian gần đây cũng bị xâm hại khá nhiều.


Đã đến lúc cần đẩy mạnh việc bảo vệ rừng ngập mặn. Song, để làm được việc này, cần có sự chung sức của cả cộng đồng. Một mặt, Nhà nước phải hoàn thiện quy định về quản lý và quy hoạch rừng ngập mặn, nhưng mặt khác, cần huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào việc bảo tồn, phát triển quản lý và khai thác sử dụng rừng ngập mặn.


Ông Mai Văn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Giá trị rừng ngập mặn là rất lớn nhưng hiện nay rừng ngập mặn ở Khánh Hòa không còn nhiều nên cần phải bảo tồn nhằm phục hồi, bảo vệ. Rừng ngập mặn vừa tạo cảnh quan, vừa làm trong lành môi trường, tạo ra sự đa dạng sinh học. Mặt khác, nó cũng là nền tảng để phát triển du lịch và nuôi trồng hải sản bền vững”.


Lam Minh