"Chẳng dễ gì để đưa trẻ hư hỏng tìm được lối về, nhưng sự khoan hồng của pháp luật, tình yêu thương của gia đình, sự nhân ái của xã hội đã giúp con vững bước tìm về nẻo thiện" - đó là những lời tâm sự trong bức thư mà Phạm Thảo Nguyên gửi ba mẹ...
“Chẳng dễ gì để đưa trẻ hư hỏng tìm được lối về, nhưng sự khoan hồng của pháp luật, tình yêu thương của gia đình, sự nhân ái của xã hội đã giúp con vững bước tìm về nẻo thiện” - đó là những lời tâm sự trong bức thư mà Phạm Thảo Nguyên gửi ba mẹ tại Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2017 do Trại giam A2 (Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) tổ chức ngày 14-7.
Xin được tha thứ
Gọi là hội nghị, nhưng chương trình giống như một buổi gặp gỡ. Đây là dịp để các gia đình nạn nhân được gặp gỡ con em; đồng thời là dịp để những cán bộ quản giáo và gia đình người phạm tội gặp nhau, trao đổi tâm tư nguyện vọng, cách giáo dục phạm nhân có hiệu quả nhất. Ở đây, chúng tôi nhận thấy, các phạm nhân mình đầy xăm trổ, nhưng ánh mắt của họ lại hiền lành, hướng thiện hơn. Chính những ngày sống trong trại giam đã giúp người lầm lỗi có thời gian để ăn năn bởi hành vi phạm tội mà mình gây ra.
Khi phạm nhân Phạm Thảo Nguyên (đang thụ án tại đội 25, Phân trại số 1) đọc bức thư xin lỗi ba mẹ, khóe mắt của những người lầm lỗi khác tại hội nghị đã đỏ hoe. Trong bức thư của Nguyên có đoạn: “Con nhớ lần cuối, khi con nắm tay ba trong ngôi nhà nhỏ của gia đình là 4 năm về trước. Lúc đó, con hứa sẽ không làm ba buồn, mẹ khóc nữa. Ở lứa tuổi đôi mươi, con luôn tự tin cho mình là giỏi nhất, chững chạc, trưởng thành... Để rồi ngày nghe tin con bị bắt, ba hoàn toàn ngã quỵ. Giây phút chiếc còng tra vào tay con không kịp nghĩ gì về ăn năn hay hối hận, lúc đó chỉ còn nỗi sợ hãi bủa vây lấy con. Những ngày tháng tạm giam, con hoang mang và căm ghét bản thân đến cùng cực. Con cảm giác mình không đủ bản lĩnh vượt qua và đôi lần con muốn kết thúc nó...”. Đọc đến đoạn này, Thảo Nguyên đã không kìm được cảm xúc, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của thiếu nữ mới qua tuổi đôi mươi. Nhìn ánh mắt đầy hối lỗi đang hướng về phía mẹ mình, ít ai nghĩ rằng Thảo Nguyên đã từng liều lĩnh buôn bán ma túy, phải nhận án 7 năm tù giam. 3 năm 7 tháng sống trong trại giam đã giúp Nguyên nhận ra lỗi lầm của mình và hiểu được cái giá của sự tự do.
Tại hội trường, hình ảnh những ông bố, bà mẹ già nua không ngăn nổi giọt nước mắt sau cặp kính mờ đục càng khiến các phạm nhân ăn năn, hối lỗi nhiều hơn. Giữa những tiếng khóc thút thít, đâu đó vẳng lên lời xin lỗi: “Hãy tha thứ cho lỗi lầm của con, mẹ nhé”.
Mong sớm được trở về
Với rất nhiều phạm nhân ở Trại giam A2, cải tạo tốt chính là con đường gần nhất để họ hoàn lương. Mỗi người một số phận, nhưng khi đã phạm pháp thì việc chấp hành tốt những nội quy của trại giam chính là điều ai cũng phải thực hiện. Phạm nhân Huỳnh Thanh Vân (cải tạo ở đội 9, Phân trại số 1) tâm sự: “Chỉ vì một phút nông nổi tôi đã phải trả cái giá rất đắt cho cuộc đời của mình. Ở trong tù, tôi có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Giờ đây, tôi chỉ mong muốn cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Xin xã hội và gia đình hãy mở rộng vòng tay, cho chúng tôi thêm một cơ hội để làm lại cuộc đời”.
Trung tá Đỗ Ngọc Trọng - Giám thị Trại giam A2: Hiện nay, trại có hơn 1.700 phạm nhân đang cải tạo. Từ năm 2016 đến nay, trại đã tổ chức xét giảm án cho 1.639 phạm nhân (có 328 phạm nhân được giảm tha); 45 phạm nhân được đặc xá. Trong năm 2016, đã có 49 tập thể và gần 200 phạm nhân được biểu dương khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù. Đặc biệt, 1 năm qua, trại đã tổ chức cho phạm nhân viết hơn 1.000 bức thư để gửi lời xin lỗi đến gia đình người bị hại. |
Trong hội nghị, có nhiều ông bố, bà mẹ đã khóc gần như suốt buổi. Những giọt nước mắt của họ là sự cảm thông cho lỗi lầm của các phạm nhân nhưng cũng chính là giọt nước mắt vui mừng trước sự thay đổi của con em mình. Ông Mai Đình Phú (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) bùi ngùi chia sẻ: “Hôm nay, thấy cán bộ quản giáo thông báo con mình cải tạo tốt, tôi dường như không cầm lòng được. Cha con gặp nhau, thằng nhỏ cứ ôm lấy cha, gục đầu vào vai cha mà khóc làm tôi cũng khóc theo. Đứa con trai từng rất ngổ ngáo, suốt ngày gây gổ đánh nhau, vậy mà sau một thời gian ở trại giam, tâm tính đã thay đổi hẳn. Mong cháu sẽ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình”. Ông Phú kể, để đến được hội nghị, ông đã phải đi từ 4 giờ sáng với hành trình hơn 100km. Khi tận mắt chứng kiến con mình và rất nhiều phạm nhân khác bày tỏ sự ăn năn, nói lên những cảm xúc trước mọi người, ông cảm thấy rất vui. Trong thâm tâm ông có một niềm tin về con đường hoàn lương của con mình đang rất gần.
Ở buổi gặp gỡ đầy cảm xúc, Đại tá Hoàng Xuân Du - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng đã nhắn nhủ rất chân thành đến các phạm nhân: “Các phạm nhân cũng đã gửi lời xin lỗi và lời hứa tới gia đình, người thân. Mong rằng các phạm nhân cố gắng hơn nữa để sớm trở thành người con có ích của gia đình. Con đường hoàn lương ngắn hay dài phụ thuộc hoàn toàn vào chính các phạm nhân. Hãy chấp hành án một cách tốt nhất để chứng tỏ sự ăn năn về tội lỗi. Đó cũng chính là con đường duy nhất để người phạm tội sớm được hoàn lương và trở về trong vòng tay gia đình, cộng đồng”.
ĐÌNH LÂM