Thời gian gần đây, Khánh Vĩnh xác định xây dựng mô hình thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên là điểm đột phá để nâng cao hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Kết quả bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực…
Thời gian gần đây, Khánh Vĩnh xác định xây dựng mô hình thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên là điểm đột phá để nâng cao hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Kết quả bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực…
Tăng cường truyền thông
Chị Cao Thị Liên (22 tuổi, ở xã Sông Cầu) cho biết, từ khi lấy chồng, sinh con, chị luôn được cán bộ dân số xã đến nhà tư vấn về KHHGĐ. Vì thế, sau khi sinh con thứ 2, chị đã tự nguyện thực hiện biện pháp tránh thai. Cùng với việc được hưởng ưu đãi vay vốn nuôi gà, heo, bây giờ gia đình đã bớt khổ, con cái được đi học chữ nên chị rất mừng.
Anh Cao Hóa (xã Khánh Phú) cho hay, được cộng tác viên dân số vận động nhiều lần nên gia đình anh cũng dừng sinh ở 2 con, thực hiện KHHGĐ để phát triển kinh tế. Vợ anh cũng có điều kiện giúp đỡ anh trong việc chăn nuôi, trồng rừng, trồng điều để tăng thu nhập cho gia đình. “Mong muốn của vợ chồng tôi là 2 con được đi học đến nơi đến chốn, sau này có nghề nghiệp ổn định”, anh Hóa chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh, thời gian gần đây, trong công tác tuyên truyền, huyện đã có sự đổi mới về cách thức truyền thông, trong đó chú trọng việc xây dựng và nhân rộng mô hình thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đối với những địa bàn khó khăn cũng là một giải pháp tuyên truyền được trung tâm quán triệt đến toàn bộ cán bộ chuyên trách dân số và mạng lưới cộng tác viên… Qua đó, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số dần tiếp cận được kiến thức, tham gia các hoạt động tuyên truyền nhiều hơn.
Chuyển biến tích cực
Ông Đặng Thanh Tuấn - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh cho biết, việc chú trọng tuyên truyền xây dựng và phát triển thôn, tổ không có người sinh con thứ ba trong thời gian qua được chính quyền cơ sở ủng hộ nhiệt tình. Lãnh đạo các xã, thị trấn đã chỉ đạo cán bộ thôn, tổ đưa các chỉ tiêu dân số làm tiêu chí thi đua trong việc xây dựng thôn, tổ văn hóa. “Chúng tôi đã phối hợp và dựa vào uy tín của già làng, trưởng bản để tuyên truyền giảm sinh trong cộng đồng người thiểu số, xem đây là giải pháp để xây dựng các thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên hiệu quả, từ đó đã tạo sự chuyển biến dần nhận thức của cộng đồng người dân tộc thiểu số về sinh đẻ có kế hoạch”, ông Tuấn nói.
Bà Bùi Thị Hà - cán bộ chuyên trách dân số xã Sông Cầu cho biết, thời gian qua, chính quyền xã luôn quan tâm chỉ đạo các đoàn thể cùng phối hợp với Ban Dân số xã, đưa các chỉ tiêu dân số vào nghị quyết của HĐND, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng thôn. Riêng việc xây dựng thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên được UBND chỉ đạo rất sát sao, trực tiếp. Qua đó đã thúc đẩy phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa. Năm 2016, xã đã duy trì và xây dựng được 2 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên (thôn Đông và thôn Tây); tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai tăng cao (hơn 80%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chỉ còn 5,5%; không có trường hợp tảo hôn nào, góp phần giúp xã thực hiện đạt tiêu chí văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới...
Nhờ tuyên truyền đúng hướng nên kết quả xây dựng mô hình này trên toàn huyện cũng đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2015, toàn huyện chỉ có 3 thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên thì đến năm 2016 có 9 thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên. Công tác dân số có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai của huyện đạt hơn 73%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 19,86%, giảm 1,48 % so với năm 2016.
Bên cạnh những điểm sáng ấy, vẫn có một số thôn, tổ làm chưa tốt công tác tuyên truyền. Ngoài việc chậm đổi mới cách thức sinh hoạt, tuyên truyền, từ năm 2016, kinh phí chi hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số bị cắt, dẫn đến một số cộng tác viên không còn nhiệt tình với công việc như trước. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình. Vì vậy, thời gian tới, đề nghị các cấp quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số để nâng cao hiệu quả công tác dân số ở địa bàn miền núi.
M.T