12:07, 28/07/2017

Mô hình gia đình người Raglai hiện đại: Nhiều biến đổi

Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu về hôn nhân và gia đình (HNGĐ) của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa. Đề tài đã làm rõ đặc điểm của HNGĐ truyền thống, yếu tố tác động và xu hướng biến đổi...

Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu về hôn nhân và gia đình (HNGĐ) của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa. Đề tài đã làm rõ đặc điểm của HNGĐ truyền thống, yếu tố tác động và xu hướng biến đổi, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị tích cực trong HNGĐ của người Raglai...


Ròng rã trong 2 năm (tháng 6-2015 đến tháng 6-2017), PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, thuộc Trung tâm Thông tin văn hóa các dân tộc (Hà Nội), và các cộng sự đã sinh hoạt cùng với người dân tộc Raglai để thu thập thông tin. Từ những quan sát thực tế, điều tra xã hội học… các nhà khoa học đã rút ra rất nhiều điều về mô hình gia đình người Raglai hiện đại.

 

Một đám cưới tập thể do chính quyền cơ sở tổ chức cho các cặp đôi người Raglai

Một đám cưới tập thể do chính quyền cơ sở tổ chức cho các cặp đôi người Raglai


Tảo hôn cao và trọng nữ


Theo kết quả đề tài, trong những năm gần đây, việc thực hiện Luật HNGĐ người Raglai đã đạt được nhiều kết quả. Tuy vậy, các hiện tượng tiêu cực như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hôn nhân cưỡng ép, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình… vẫn đang tồn tại trong cộng đồng người Raglai. Đặc biệt ở một số địa phương, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không có dấu hiệu thuyên giảm. Tỷ lệ tảo hôn của tộc người Raglai trên cả nước lên đến 38,3%, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 3,8%, thuộc loại cao so với các dân tộc khác.


Ở Khánh Hòa cũng không ngoại lệ, hiện tượng tảo hôn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Từ năm 2011 đến 2015, chính quyền địa phương 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã phát hiện 281 vụ tảo hôn, phổ biến nhất là từ độ tuổi 16 - 17 tuổi, không ít trường hợp còn đang đi học. Tỷ lệ tảo hôn ở nam cao hơn ở nữ. Thực trạng này đi kèm với các tiêu cực khác như: mang thai tuổi vị thành niên, quan hệ tình dục tiền hôn nhân, vi phạm Luật HNGĐ, gia tăng ly hôn và ly thân…


Đặc biệt, chế độ mẫu hệ trong gia đình người Raglai vẫn còn được bảo lưu do tâm lý thích sinh con gái, tư tưởng trọng nữ. Điều này kéo theo việc bảo lưu tài sản theo đằng mẹ và yêu cầu trách nhiệm cao của người đàn ông trước và sau hôn nhân. Việc phân chia tài sản sau khi ly hôn cũng không công bằng, người chồng thường phải để lại đất đai cho vợ mà không quan tâm đến nguồn gốc của tài sản này. Học thức và vị thế xã hội cao có thể là nhân tố thúc đẩy sự đòi hỏi của người chồng về quyền đối với tài sản hộ gia đình, nhưng vẫn chưa thể lấn át được các chuẩn mực truyền thống của chế độ mẫu hệ. Tình trạng này đã góp phần duy trì sự trì trệ của chế độ mẫu hệ, khi quyền lợi chính đáng đối với thành quả lao động không được đảm bảo, người chồng ít có động lực cống hiến, nảy sinh tâm lý phản kháng, chỉ lao động cầm chừng cho hết trách nhiệm…


Dần biến đổi


Dưới tác động của văn hóa của xã hội hiện đại, gia đình của người Raglai hiện nay đang có những biến đổi sâu sắc cả về vị trí, chức năng và cơ cấu. Vai trò người vợ có sự giảm sút. Người Raglai vẫn còn nhớ đến các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình, các lễ tục vẫn còn được thực hiện nhưng hình thức đơn giản hơn. Luật tục của người Raglai cũng dần biến đổi, các luật tục lạc hậu dần bãi bỏ và thay vào đó đã có sự ứng dụng hệ thống luật pháp hiện hành, được giải quyết bởi tòa án. Đời sống của người Raglai hiện đan xen giữa nếp sống truyền thống với văn hóa hiện đại. Hôn nhân nội tộc không còn là yếu tố bắt buộc, hôn nhân sắp đặt gần như cũng biến mất. Các tập tục cũ được cải biên theo hướng đơn giản hóa. Do những biến đổi này, thời gian gần đây trong gia đình người Raglai có sự gia tăng về bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, ly thân. Cha mẹ thiếu thời gian chăm sóc giáo dục con cái, con cái ít quan tâm đến bố mẹ, ông bà…


Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá, tuy chưa có điểm mới đột phá, nhưng đề tài đã đánh giá được tình hình biến đổi HNGĐ đối với một số vùng đồng bào Raglai ở tỉnh trong những năm gần đây; từ đó đề xuất các giải pháp vừa bảo tồn văn hóa truyền thống của người Raglai, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Một ủy viên của hội đồng đã nhận xét: “Kết quả đề tài là cơ sở lý luận xây dựng các chương trình nâng cao hiệu quả thực hiện Luật HNGĐ; chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... ở vùng dân tộc thiểu số nói chung và vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa nói riêng”.


PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, để tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ HNGĐ của người Raglai thì cần phải tăng cường phổ biến pháp luật để đồng bào, nhất là những người ít học mạnh dạn tìm đến các cơ quan tư pháp để nhận sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, điều chỉnh các nội dung luật tục được đưa vào hương ước thôn cụ thể hóa hơn nữa các nội dung về HNGĐ, phát huy bình đẳng giới, dân chủ, tạo ra các chuẩn mực chung mà người dân dễ làm theo, lấy đó làm căn cứ giải quyết các vấn đề ly hôn, ly thân và bạo lực gia đình. Đồng thời nên tuyên dương, khuyến khích kịp thời người tốt việc tốt về phát huy bản sắc văn hóa, về giáo dục nhân cách, văn hóa cho thế hệ trẻ…


M.T