Qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn.
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn.
Thừa mà thiếu
Chị H. - một giáo viên (GV) ở huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: “Năm 2016, ban giám hiệu nhà trường phổ biến việc tinh giản biên chế cho GV. Nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn, trong quá trình bình chọn có từ 2 - 3 người không đạt danh hiệu thi đua lao động tiên tiến. Đây được được coi như “căn cứ”, nếu ai liên tục 2 năm không đạt thi đua sẽ đưa vào danh sách tinh giản. Điều này khiến nhiều tổ chuyên môn, khi tổ chức bình chọn xảy ra căng thẳng, cãi nhau to tiếng. Điều đáng nói, danh sách thi đua khi đưa lên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện có người bị cắt, người không. Mâu thuẫn lại nổ ra vì người vi phạm nhiều thì không bị cắt thi đua, còn người vi phạm ít lại bị cắt…”.
Một hiệu trưởng ở TP. Nha Trang khi được hỏi về việc tinh giản biên chế cũng cho biết: “Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến “nồi cơm” nhiều người nên rất khó. Ban giám hiệu biết chủ trương chung là vậy nhưng rất ngại triển khai”.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định, ngành Giáo dục đang thiếu GV, nên việc tinh giản biên chế chỉ thực hiện ở một số ít đơn vị hành chính. Ông Tứ phân tích, toàn ngành có khoảng 17.000 GV, từ năm 2012 đến nay không được tăng thêm biên chế nên ngành phải tự điều chỉnh trong con số này. Trong khi đó, số học sinh các cấp tăng, điểm trường và lớp đều tăng nên các trường đều thiếu GV. Do không được thêm biên chế, nên các thầy cô thường phải dạy tăng tiết. Điều này không chỉ gây áp lực đến GV, còn gây áp lực về kinh phí của các trường. “Hiện nay, quỹ ngân sách chi lương ở các nhà trường đã chiếm 80 - 90%. Do vậy, khi tăng tiết thì nhà trường phải dùng kinh phí eo hẹp còn lại để chi trả cho GV. Điều này khiến nhiều trường không có kinh phí để tổ chức các hoạt động khác”, ông Tứ cho biết.
Tương tự, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành Y tế thiếu trên 300 bác sĩ. Thực tế sẽ rất khó khăn nếu cắt giảm biên chế ở khối sự nghiệp, ngành chỉ có thể cắt giảm ở một số vị trí hành chính như: văn phòng, các chi cục…
Không thể cắt theo kiểu số học
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 2.108 biên chế hành chính và 25.945 biên chế sự nghiệp. Năm 2015, tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ giao (giảm 38 biên chế hành chính); năm 2017 giảm thêm 33 biên chế. Về biên chế sự nghiệp, từ năm 2015 đến nay đã giảm được 174 trường hợp. Các trường hợp chủ yếu rơi vào ngành Giáo dục, theo đó các GV phải nghỉ hưu trước tuổi. Để đạt mục tiêu giảm 10% đến năm 2021 theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, khối hành chính phải giảm thêm trên 100 trường hợp, khối sự nghiệp trên 2.400 trường hợp.
Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tỉnh thực hiện rất nghiêm túc việc tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ giao. Sở Nội vụ đã cùng các ngành tính toán, rà soát theo độ tuổi, năm công tác, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị theo hướng nghỉ 2 tuyển 1. Tuy nhiên, phải thừa nhận là việc tinh giản biên chế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Khối hành chính hiện nay chỉ trên 2.000 biên chế, rất khó để cắt giảm. Vừa qua, Sở Nội vụ đã kiểm tra nhân sự ở 3 huyện, thành phố trong tỉnh cho thấy, các phòng chức năng còn thiếu chuyên viên, các vị trí trưởng, phó phòng cũng đang thiếu, nhiều người phải kiêm nhiệm…
“Dựa vào thực tế, không thể cắt giảm biên chế theo kiểu số học, mà phải tinh giản theo nhiều cách, từ góc nhìn xã hội hóa đến chuyển đổi cơ chế quản lý, tài chính. Phải phân biệt rạch ròi giữa các đơn vị quản lý, sự nghiệp, dịch vụ, kinh doanh. Chúng tôi đang hướng đến việc xã hội hóa, Nhà nước đặt hàng các dịch vụ công, đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong khối công lập để giảm bớt ngân sách, giảm đầu tư công. Để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, Khánh Hòa đang đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát các sở, ngành, đơn vị nào có những vị trí không làm được việc, làm việc không hiệu quả sẽ mạnh dạn cắt giảm”, ông Thái cho biết.
QUANG ĐỨC