Sáng 13-7, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Sáng 13-7, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tại hội nghị, nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) được các ngành, địa phương đề xuất.
Nhiều kiến nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình TNGT diễn biến khá phức tạp, tăng 2 tiêu chí về số người chết và số vụ. TNGT trên tuyến nội thị và giao thông nông thôn tăng cao chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông kém.
Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, TNGT trên địa bàn huyện chủ yếu xảy ra trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý trên tuyến này lại do Trạm tuần tra kiểm soát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh - PC67) thực hiện. Trong khi lực lượng trạm mỏng, chỉ xử lý được các xe tải; xe mô tô, xe máy, người đi bộ bị xử lý rất ít. “Tôi kiến nghị cần có quy chế phối hợp giữa Phòng PC67 và UBND huyện để kiểm soát tốt tình hình trật tự giao thông trên địa bàn. Đồng thời, biển báo, đèn tín hiệu tại một số điểm trên Quốc lộ 1 qua huyện Cam Lâm cần được điều chỉnh hợp lý hơn”, ông Hảo nói.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Diên Khánh cho rằng, việc tổ chức quản lý giao thông trên tuyến tránh còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao. Hiện nay, tuyến tránh quá hẹp, trong khi lưu lượng xe lớn. Thời gian tới, bến xe tỉnh được xây dựng trên địa bàn, đường Nha Trang - Diên Khánh hoàn thiện và kết nối với Quốc lộ 27C thì mật độ xe càng tăng cao. Vì vậy, đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ GTVT sớm có giải pháp đối với việc kiểm soát trật tự giao thông cũng như đầu tư hạ tầng trên tuyến này.
Còn lãnh đạo TP. Nha Trang nêu vấn đề, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, lượng xe tải, xe ben lưu thông quá lớn khiến cho tình hình giao thông phức tạp. Các đơn vị thi công khoán trắng khối lượng cho các đơn vị vận tải, trong khi đó, tài xế được chủ khoán nên chạy theo số lượng, số chuyến, phóng nhanh vượt ẩu… dẫn đến mất ATGT.
Trung tá Nguyễn Sỹ Hồng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay tồn tại một số bất cập, gây ùn tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến đường như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thiện Thuật, khu vực Mả Vòng… Đường Trần Phú vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng khách du lịch đi tắm biển gây ra xung đột giao thông đoạn 100 Trần Phú, giao cắt Trần Quang Khải với tuyến đường này. Vì vậy, đề nghị tỉnh xem xét đầu tư cầu vượt hoặc hầm chui cho người đi bộ. Tại khu vực Khách sạn Mường Thanh (số 60 Trần Phú), khi xe vào đón khách quay đầu mất nhiều thời gian cũng dẫn đến ùn tắc. Khu vực Khách sạn Havana có tình trạng xe taxi đối phó với lực lượng chức năng. Vì vậy, kiến nghị tỉnh cấm dừng đỗ đối với xe 30 chỗ ngồi tại khu vực này. “Hiện nay, có nhiều trường hợp xe du lịch khi vi phạm không chịu hợp tác với lực lượng chức năng, tài xế bỏ xe vào nhà hàng, quán cà phê. Cảnh sát giao thông chỉ cẩu xe số sàn, còn xe số tự động khó xử lý hơn do sợ bị vỡ hộp số”, Trung tá Nguyễn Sỹ Hồng nêu. Nói thêm về việc này, đại diện Thanh tra giao thông, Sở GTVT kiến nghị tỉnh xem xét đối với những trường hợp trên, cho cơ chế tháo biển số xe và tạm giữ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, ngành chức năng kiến nghị một số vấn đề như: hỗ trợ kinh phí cho lực lượng trực tiếp đảm bảo ATGT; đầu tư thêm máy đo nồng độ cồn, cân tải trọng bằng tay; máy đo tốc độ…
Kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10%
Với mục tiêu những tháng cuối năm phải kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh từ 5 đến 10% trên cả 3 tiêu chí, ông Lê Đức Vinh yêu cầu các ngành và địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, các ngành, địa phương cần tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATGT, trong đó đặc biệt quan tâm xử lý việc lái xe sau khi uống rượu bia, đậu đỗ trái quy định. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở tất cả các địa bàn, các tuyến đường, bảo đảm luôn khép địa bàn 24/24 giờ. Đối với các địa phương, cần xử lý dứt điểm, đình chỉ lưu thông đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe ba gác máy; xử lý nghiêm tình trạng không đội mũ bảo hiểm… Riêng đối với TP. Nha Trang, cần tăng cường xử lý xe tải, xe ben chở đất đá, vật liệu xây dựng phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải trên các tuyến đường nội thành.
Ông Lê Đức Vinh đánh giá, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Phòng PC67 với công an các địa phương chưa thực sự chặt chẽ, chưa thường xuyên trên các tuyến quốc lộ. Ông Lê Đức Vinh đề nghị Công an tỉnh lên kế hoạch cụ thể về phân cấp, đoạn nào trong khu dân cư đông, khu vực thị trấn giao cho cấp huyện; đoạn nào cảnh sát giao thông cấp tỉnh xử lý, có như vậy mới kiểm soát được trật tự ATGT. Ông Lê Đức Vinh cũng yêu cầu Sở GTVT rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vị trí mất ATGT tại các khu dân cư, có phương án cụ thể để kiểm soát các điểm này. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát tải trọng, đặc biệt là các bến bãi, đầu nguồn; tận dụng tối đa thiết bị giám sát hành trình để xử phạt các hành vi vi phạm ATGT.
Được biết, để kết nối, giảm tải cho hạ tầng giao thông thành phố, trong năm nay, đường Nha Trang - Diên Khánh và đường Phong Châu sẽ hoàn thành. Tỉnh cũng ưu tiên thông tuyến Nguyễn Thiện Thuật nối dài cùng 9 nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang trong năm 2018.
“Hiện tại, việc chuyển kinh phí xử phạt vi phạm trật tự ATGT về cho bộ là vấn đề rất bất cập. Tỉnh sẽ kiến nghị để lại khoản kinh phí này cho địa phương sử dụng vào việc đảm bảo giao thông”, ông Lê Đức Vinh nói.
THÀNH NAM
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 95 vụ TNGT, làm chết 85 người, bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tăng 8, số người chết tăng 14 người, số người bị thương giảm 17 người. Theo bảng xếp hạng do Bộ GTVT công bố, Khánh Hòa đứng thứ 57/63 tỉnh, thành về tình hình trật tự ATGT 6 tháng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 4 điểm đen thường xảy ra TNGT và 8 điểm có nguy cơ cao gây ra TNGT. Toàn tỉnh có 482 xe hết niên hạn cần phải thu hồi giấy phép, giấy đăng ký xe; đã có 42 trường hợp nộp lại giấy tờ. Theo thống kê, trước năm 2008, toàn tỉnh có 50 xe ba bánh, xe ba gác máy được đăng ký. Sau thời gian kể trên, các phương tiện này không được đăng ký và phải đình chỉ hoạt động nhưng hiện thống kê sơ bộ có 654 xe ba gác máy, xe ba bánh ở các địa phương cần được thu hồi nếu lưu thông.