10:07, 30/07/2017

Đẩy mạnh công tác dân vận khi triển khai các dự án

Theo ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa, những năm qua, công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo...

Theo ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa, những năm qua, công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc.


Hiệu quả tích cực


Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư và tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất đai. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 66 ngày 22-5-2009 về thành lập tổ công tác vận động nhân dân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các tổ công tác bước đầu hoạt động khó khăn nhưng đến nay đã đi vào nề nếp, thực hiện tốt vai trò khi tham gia vận động và giám sát các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời và chủ động đề xuất tháo gỡ những vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là những trường hợp phức tạp, hạn chế tối đa không để xảy ra điểm nóng.

 

Các cấp chính quyền đã quan tâm phối hợp làm công tác dân vận; tham gia đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các quy trình thủ tục trong công tác giải phóng mặt bằng. Hệ thống dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp tích cực, chủ động vào cuộc, thể hiện rõ vai trò trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong giải phóng mặt bằng; đồng thời, với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã huy động được đội ngũ quần chúng cốt cán, có uy tín, tranh thủ mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng xã cùng tham gia vận động. Tổ công tác, khối vận ở cơ sở đã tiếp cận từng hộ gia đình, kiên trì vận động, thuyết phục, giúp người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và hạn chế tình trạng khiếu kiện của nhân dân.


Bằng những việc làm cụ thể, công tác dân vận trong giải tỏa, đền bù đã thật sự có sức lan tỏa. Nhờ đó, những năm gần đây, công tác vận động nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án đã đạt được kết quả khá cao, nhất là một số dự án trọng điểm như: dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phận Khánh Hòa có tổng chiều dài 153,6km, ảnh hưởng tới hơn 6.000 hộ gia đình, cá nhân và 9 tổ chức; dự án đường Cầu Lùng - Khánh Lê - Lâm Đồng với 555 trường hợp cá nhân, tổ chức có liên quan; dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong và khu công nghiệp phụ trợ với tổng diện tích bị thu hồi 3.643ha, 1.441 hộ với 6.494 nhân khẩu bị ảnh hưởng; các dự án: đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, hầm đường bộ Đèo Cả, đường và kè sông Cái (TP. Nha Trang)… Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên tổ công tác bám sát địa bàn được phân công, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, các chính sách đền bù, tái định cư của dự án, để người dân chấp hành bàn giao mặt bằng, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai dự án.


TP. Nha Trang là địa bàn triển khai nhiều dự án. Hiện nay, thành phố đang thực hiện công tác bồi thường giải tỏa cho 27 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 18 dự án ngoài ngân sách. Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nha Trang, nhìn chung, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án không phải cưỡng chế đạt hiệu quả cao. Với trên 1.500 hộ bị ảnh hưởng giải tỏa, bàn giao mặt bằng trong thời gian qua nhưng có 96% hộ đã nhận tiền đền bù; số hộ chây ì, có đơn khiếu nại, phải cưỡng chế di dời chiếm tỷ lệ thấp.

 

Hầm đường bộ qua đèo Cả

Hầm đường bộ qua đèo Cả

 

Đề xuất các giải pháp


Từ kết quả công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp: xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án số 04 ngày 31-3-2017 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020. Rà soát, bổ sung quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức làm tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở các khâu của quá trình giải phóng mặt bằng. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 ngày 23-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng khi triển khai các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020…


Để công tác vận động việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đồng chí Trần Mạnh Dũng kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo quán triệt các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với việc thực hiện các dự án. Khi triển khai thực hiện phải công khai để nhân dân được biết, được bàn, kiểm tra, giám sát, quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác vận động nhân dân; cung cấp thông tin các dự án kịp thời và hỗ trợ kinh phí cho tổ công tác ở cơ sở. Công khai dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và lấy ý kiến các đối tượng bị tác động, các nhà khoa học, các chuyên gia… trước khi thông qua dự án, nhất là đối với những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.


Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp chính quyền cần nâng cao chất lượng khu tái định cư, bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng, điện, nước, đường giao thông… thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân theo tinh thần “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Rà soát, xây dựng và điều chỉnh mức giá đền bù, hỗ trợ vật kiến trúc và cây trồng cho phù hợp, sát với giá thị trường. Đề nghị chủ đầu tư các dự án có cơ chế riêng hỗ trợ thêm kinh phí cho những trường hợp chấp hành tốt và tự nguyện giao mặt bằng đúng thời gian quy định…


N.D